Thứ Hai sau Chúa Nhật Chúa Hiển Linh – Năm C

Lời Chúa: Mt 4, 12-17. 23-25

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”. Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.


Suy niệm

“Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4, 17)

Mang thân phận con người, chắc hẳn chúng ta cảm nghiệm được con người thật yếu đuối mỏng giòn và dễ dàng sa ngã phạm tội, xa lìa ơn cứu độ. Sám hối là điều kiện tiên quyết để được cứu độ, vì sám hối là ý thức mình đang đi trệch hướng và quyết tâm quay về đường ngay nẻo chính. Thành tâm sám hối là chìa khóa để ơn thánh Chúa có thể sinh hiệu quả nơi ta.

Đáp lại lời mời hoán cải của Tin Mừng, thiết nghĩ không có dẫn chứng nào đẹp hơn là đời sống của các Thánh. Các ngài đã là những con người trở về, ăn năn sám hối về quá khứ của mình, và đã lôi kéo được biết bao tâm hồn trở về. Đó là cuộc trở về của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, của thánh Augustinô, hay cuộc hoán cải của thánh Têrêsa Avila… Các ngài đều là những người trở về. Không phải chỉ trở về một lần, mà là trở về nhiều lần trong suốt cuộc đời. Thế nhưng, lòng sám hối như vậy không hẳn là kết quả của những nỗ lực cá nhân con người, mà trước hết phát xuất từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Khi ta sa ngã phạm tội, chính Chúa đã tha thứ, tìm kiếm và mời gọi ta quay về với Người. Tuy thế, lòng sám hối không phải chỉ là thụ động, mà còn ở sự cộng tác tích cực của ta với ơn thánh Chúa. Nhờ đó người môn đệ được làm mới lại tương quan đã đánh mất với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.

Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, xin ban cho từng người chúng con cảm nghiệm được tình thương và lòng nhẫn nại của Chúa. Để chúng con không ở mãi trong tội lỗi, nhưng biết mau mắn tìm về Lòng Thương Xót trong bí tích Hòa giải. Chính nơi suối nguồn này, tâm hồn đầy thương tích của chúng con được chữa lành và sẽ bình an. Amen.


Comments are closed.