Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
“Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,16).
Ngày Chúa Giêsu Kitô được vinh thăng ngự bên hữu Chúa Cha, cũng chính là ngày các Tông đồ lên đường tiếp nối sứ mạng của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), và làm phép Rửa cho những ai có lòng tin. Những người lãnh nhận phép Rửa thì cũng lãnh nhận ơn tái sinh bởi Thần Khí và nước. Họ chết đi cho tội lỗi và sống lại cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô (x.Rm 6,11). Để cho Đức Kitô sống trong mình, người chịu phép Thánh Tẩy đón nhận đời sống mới, đời sống không còn nô lệ cho tội lỗi nữa, nhưng được tự do trong Thần Khí.
Bí tích Rửa Tội là bí tích của đức tin (x.GLHTCG, số 1253), và thụ nhân khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận đức tin sống động từ Hội Thánh. Mỗi Kitô hữu chỉ lãnh nhận bí tích Rửa Tội một lần, nhưng đức tin không chỉ lãnh nhận xong là thôi. Đức tin đó cần được tăng trưởng sau bí tích Rửa Tội. Nó cần được nuôi dưỡng bằng lời Chúa và các cử hành phụng vụ của Hội Thánh. Nó cần được lớn lên bằng quyết tâm từ bỏ tật xấu và theo đuổi con đường đức hạnh. Thánh Marcô là một mẫu gương cho chúng ta. Tác giả của sách Phúc Âm thứ hai đã có lúc yếu đuối, nhưng khi đã xác tín mạnh mẽ vào Đức Kitô phục sinh, thánh nhân không ngại ngần ra đi truyền giáo, khi thì với Barnaba và Phaolô (x.Cv 12,25), khi thì với một mình Barnaba (x.Cv 15,39). Để rồi, với đức tin mạnh mẽ, Marcô đã dõng dạc tuyên xưng đức Giêsu Kitô trong lời mở đầu của quyển Phúc Âm ngài viết: “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Ước mong mỗi người chúng ta cũng hăng say sống đức tin như vậy.
Lạy Chúa, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng con trở thành con cái của Chúa và gia nhập vào gia đình Giáo hội. Chúng con xin cảm tạ Chúa về hồng ân đức tin này. Xin cho chúng con được lớn lên trong đức tin và làm chứng cho Chúa bằng đời sống yêu thương phục vụ và tha thứ. Amen.
Thánh Máccô là một trong bốn tác giả đã ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Bốn thánh sử viết Tin Mừng của Chúa Giêsu là Matthêu, Máccô, Luca và Gioan. Tất cả bốn thánh sử, mỗi người một vẻ, mỗi người một cách đã tường thuật đầy đủ cuộc đời của Chúa Giêsu. Thánh Máccô đã được Chúa gọi mời, tuyển chọn để trở nên tông đồ và là một người tường thuật lại đời sống của Chúa Giêsu…xem tiếp
[/loichua]