Thứ Hai sau Chúa Nhật 3 Mùa Vọng – Ngày 12/12/2016

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 21, 23-27″ ]

Khi ấy Chúa Giêsu vào Ðền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?” Chúa Giêsu trả lời: “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. – Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?” Họ bàn tính với nhau rằng: “Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri”. Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không được biết”. Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

“Khi ấy Chúa Giêsu vào Ðền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này?” (Mt 21, 23).

Chúa Giêsu, Đấng Messiah của dân tộc Do Thái và là Vị Cứu Tinh của cả nhân loại, đã đến với đoàn dân của Ngài. Ngài sống giữa họ, giảng dạy, chữa lành và làm những phép lạ cả thể. Thế nhưng, bỏ mặc cho những dấu chứng không thể chối cãi ấy, giới chức lãnh đạo Do Thái Giáo đã không chấp nhận Người. Cuộc đối chất trực tiếp trong bài Tin Mừng hôm nay là một minh họa cụ thể cho sự việc này. Các kỳ mục và thượng tế đòi được biết sự thật về con người của Chúa Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này?” (Mt 21,23). Câu chuyện được tiếp tục và kết thúc với bộ mặt gian xảo của họ bị vạch trần. Họ là những người tỏ ra muốn biết sự thật (về Chúa Giêsu) nhưng lại không dám nói lên chính sự thật (câu hỏi của Chúa Giêsu về phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả). Họ chỉ mong muốn tìm sơ hở trong lời nói của Chúa Giêsu để chống lại Người, nhờ đó thế giá và địa vị xã hội của họ sẽ không bị lung lay. Họ nói mình nhân danh sự thật nhưng đúng hơn đó chỉ là cái mác bên ngoài nhằm bảo vệ “lợi ích nhóm” mà thôi. Vì lẽ đó, họ đã và không bao giờ nhận ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.

Sống giữa một xã hội đề cao quá mức tự do cá nhân, biết bao lần những giá trị luân lý đạo đức đã bị con người ngày nay mổ xẻ, chất vấn. Câu hỏi của những người Do Thái xưa dường như đang tiếp tục được nêu lên với Giáo Hội trong các vấn nạn hiện này về việc phá thai, hôn nhân đồng tính hay ly dị; “Các ông lấy quyền nào để….?” Họ đòi hỏi quyền tự do nhưng thực sự họ có được tự do không khi phẩm giá cao quý của con người bị xâm hại? Tự do không có nghĩa là được thỏa sức chạy theo những thôi thúc của xác thịt. Chính việc thực hành đời sống luân lý mới đem lại cho con người sự tự do thiêng liêng và khi đó con người không còn là những nô lệ của đam mê nhưng là người mong muốn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1828)

Lạy Chúa, là một người con trong xã hội hiện nay chúng con đang phải đối mặt với biết bao khó khăn và thách thức của thời đại. Xin Chúa giúp chúng con luôn kiên cường giữ vững đức tin và thực hành những giáo huấn của Giáo Hội vì chúng con tin rằng đó mới là con đường duy nhất dẫn chúng con đến hạnh phúc đích thực. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.