Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”. Gioan lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con”.[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
“Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9,48b).
Theo Chúa một thời gian, bất chợt một ngày kia một câu hỏi đến các môn đệ: “Trong các ông, ai là người lớn nhất?” (Lc 9,46). Nhỏ nhất và lớn nhất thường gợi lên trong tâm trí người ta sự so sánh về cái gì đó cực đại và cực tiểu. Ở đây, các môn đệ tập trung suy nghĩ về người lớn nhất, nghĩa là người có khả năng trở thành thủ lĩnh trong các ông, và không chú tâm đến người nhỏ nhất, nghĩa là người chẳng có chút địa vị gì. Đã có so sánh tất nhiên có sự đối chiếu, xem xét để thấy sự giống nhau, khác nhau hoặc sự hơn kém. Đối chiếu để thấy sự hơn kém có thể dẫn đến điều tiêu cực là sự ganh ghét, tranh giành, bực tức, đố kỵ. Những yếu tố này không phải là tố chất của người môn đệ Chúa. Các môn đệ đưa ra tiền đề so sánh mà không có một tiêu chuẩn dựa vào để đánh giá. Vì thế, Chúa Giêsu đưa ra tiêu chuẩn cho các ông: “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9,48b). Chúng ta có thể nhận thấy Chúa Giêsu không có ý nói đến sự lớn, nhỏ về thể lý, về ngoại hình, nhưng là sự “lớn”, “nhỏ” về tinh thần và thái độ phục vụ. Ai càng khiêm nhường phục vụ mọi người, kể cả những người hèn kém và không có địa vị gì trong xã hội, người đó càng trở nên người lớn nhất trong Chúa Giêsu.
Nhưng ai có thể bỏ mình đi để phục vụ mọi người giữa một xã hội nhiều hơn thua, tranh giành, đố kỵ, khích bác, hận thù? Câu trả lời: đó phải là những người môn đệ của Chúa Giêsu. Người môn đệ đó sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa như các Tông đồ (x.Mt 4,18-22), trung kiên vác thập mình hằng ngày mà theo Thầy chí thánh (x.Lc 9,23), biết quên mình đi trong đời sống phục vụ như hạt lúa chịu mục nát mới sinh nhiều bông hạt (x.Ga 12,24), chấp nhận để Chúa lớn lên còn mình thì nhỏ lại trong lòng anh em (x.Ga 3,30), khi làm xong việc gì thì không ngại ngần tự nhủ: “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10), không cảm thấy xấu hổ khi quỳ xuống rửa chân cho mọi người theo gương Chúa Giêsu (x.Ga 13,1-11). Tất cả những yếu tố đó cộng với lòng mến, sẽ phác hoạ nên hình ảnh người môn đệ khiêm nhường phục vụ của Đức Kitô.
Lạy Chúa, xin cho con dám chấp nhận hao mòn như ngọn nến cháy để toả lan ánh sáng tình yêu Chúa cho hết mọi người.