Thứ Hai – Bát Nhật Giáng Sinh – Thánh Stephanô tử đạo – 26/12/2022

Lời Chúa: Mt 10,17-22

Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì; thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

 


Suy niệm

LÀM CHỨNG CHO HÀI NHI GIÊSU

“Kẻ nào bề chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22).

Giữa bầu khí tràn ngập niềm vui, những nốt nhạc thiên thần còn đang vang vọng mừng Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể làm người, thì phụng vụ của Giáo hội lại đưa con cái hướng tới sự kiện tử đạo của thánh Têphanô. Hẳn là Giáo Hội có dụ ý khi xếp đặt như vậy.

Biến cố Ngôi Lời Nhập Thể hoàn toàn vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người. Tự lý trí con người không thể hiểu được một Thiên Chúa Toàn Năng lại trở thành con người, cùng chia sẻ thân phận của kiếp người. Vì thế, khi rao giảng một Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, hơn nữa, Ngài đã chết và sống lại, các môn đệ lập tức bị chống đối, bị coi là tà đạo và bị bách hại. Bằng chứng là cuộc bách hại thảm khốc các Kitô hữu trong suốt ba thế kỷ đầu. Nhưng, những điều đó Đức Giêsu đã nói từ trước với các tông đồ: “Vì Thầy, họ sẽ nộp anh em, sẽ đánh đập và điệu anh em ra trước mặt vua chúa quan quyền… Vì danh Thầy, anh em sẽ bị thù ghét”. Đó là cái kết cho những người loan báo và làm chứng về niềm tin vào Đức Giêsu Kitô – Ngôi Lời Nhập Thể. Nhưng cái kết đó chưa phải là hết, bởi, Đức Giêsu còn khẳng định: “Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì, Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em; và, kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt10,19-20). Như vậy, qua bài Tin Mừng, chúng ta nhận ra dụ ý của Giáo Hội muốn gửi tới con cái mình để sống mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Trước hết, Giáo Hội xác định sứ mạng của mình là loan báo và làm chứng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất. Bất chấp những cản trở, những chống đối, Giáo Hội vẫn tiếp tục con đường của thánh Têphanô và các thánh tử đạo để làm chứng cho Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô. Thứ đến, Giáo Hội loan báo về niềm Hy Vọng Kitô giáo. Nếu không có sự sống lại thì cái chết của thánh Têphanô và các thánh tử đạo là sự ngu ngốc nhất. Như thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng (1Cr15,14). Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô đã sống lại” (1Cr 6,14). Vì thế, ngay khi mừng mầu nhiệm Nhập Thể, Giáo hội nối kết với mầu nhiệm Phục Sinh qua việc tử đạo của thánh Têphanô để loan báo về niềm Hy Vọng. “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt10,22). Đó là lời hứa cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô dành cho những kẻ tin vào Ngài.

Ngày hôm nay không còn bắt bớ, bách hại để chúng ta hưởng phúc tử đạo như các thánh ngày xưa. Nhưng, lời mời gọi làm chứng về Đức Giêsu Kitô, lời mời gọi sống niềm Hy Vọng Kitô giáo vẫn đòi hỏi chúng ta tử đạo từng ngày. Bỏ đi lối sống tranh dành quyền lực, danh vọng, địa vị để chọn đời sống đơn giản, dịu dàng, khiêm nhường cũng đòi hỏi một sự tử đạo. Can đảm đi bước trước để nói lời xin lỗi và sẵn sàng tha thứ để có được hòa thuận, bình an cũng đòi hỏi một sự tử đạo. Đó là cách sống mà Giáo Hội muốn con cái mình thực hiện để làm chứng cho Đức Giêsu và niềm Hy Vọng Kitô giáo.

Cùng chiêm ngắm sự dịu dàng và khiêm nhường của Hài Nhi Giêsu, chúng ta xin Chúa ban cho mỗi người ơn can đảm sống sứ mạng của người Kitô hữu bằng một đời sống khiêm nhường, đạo đức thánh thiện, luôn sẵn sàng đi bước trước để nói lời giao hòa. Đó thật sự là những hành động tử đạo của người tín hữu trong thế giới hôm nay, đó cũng là cách chúng ta làm chứng và tôn vinh Thiên Chúa như thánh Têphanô.


Comments are closed.