Thư Đức Thánh Cha Phanxicô Về Năm Thánh 2025

Thư Đức Thánh Cha Phanxicô Về Năm Thánh 2025

     WHĐ (13.02.2022)Ngày 11.02.2022 vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã gửi thư tới Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cổ võ Tân Phúc âm hóa, là Bộ được Đức Thánh cha ủy nhiệm việc chuẩn bị Năm thánh 2025 sắp tới.

     Sau đây là nội dung bức thư của Đức Thánh Cha:

Thư Đức Thánh Cha Phanxicô

Gửi Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella,

Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Tân Phúc Âm Hóa,

Về Năm Thánh 2025

     Thân gửi Hiền Đệ,

     Tổng Giám mục Rino Fisichella,

     Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cổ võ Tân Phúc âm hóa

     Năm Thánh luôn là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng về mặt thiêng liêng, giáo hội và xã hội trong đời sống của Giáo hội. Kể từ khi Đức Boniface VIII thiết lập Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300 – ban đầu được cử hành cứ mỗi 100 năm, sau đó, theo mô hình Kinh thánh, mỗi 50 năm, và cuối cùng là mỗi 25 năm – Dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa đã trải nghiệm việc cử hành này như một ân sủng đặc biệt, được đặc trưng bằng sự tha thứ tội lỗi và nhất là bằng Ơn Toàn Xá, vốn là sự thể hiện trọn vẹn lòng thương xót của Thiên Chúa. Các tín hữu, thường là khi kết thúc một cuộc hành hương dài, rút ​​ra từ kho tàng thiêng liêng của Giáo hội bằng việc bước qua Cửa Thánh và tôn kính thánh tích của các Tông đồ Phêrô và Phaolô được lưu giữ trong các Vương cung thánh đường Rôma. Trải qua nhiều thế kỷ, hàng triệu triệu người hành hương đã đến những thánh địa này, làm bằng chứng sống động cho đức tin được tuyên xưng trong mọi thời đại.

     Đại Năm Thánh 2000 đã mở đầu cho Giáo hội bước vào thiên niên kỷ thứ ba trong lịch sử của mình. Thánh Gioan Phaolô II đã chờ đợi từ lâu và vô cùng mong muốn sự kiện đó, với hy vọng rằng tất cả các Kitô hữu, vượt qua những chia rẽ lịch sử, có thể cùng nhau kỷ niệm 2000 năm ngày sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của nhân loại. Giờ đây, giai đoạn 25 năm đầu tiên của thế kỷ mới đang đến gần, chúng ta được mời gọi bước vào một sự chuẩn bị giúp Kitô hữu sống Năm Thánh với tất cả sự phong phú mục vụ. Một bước tiến quan trọng trên hành trình này đã được thực hiện với việc cử hành Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, cho phép chúng ta khám phá lại tất cả sức mạnh và sự dịu dàng của tình yêu thương xót của Chúa Cha, để đến lượt, chúng ta cũng trở thành những chứng nhân của lòng thương xót.

     Trong hai năm qua, chẳng một quốc gia nào mà không bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát đột ngột của trận dịch khiến chúng ta tận mắt trải nghiệm không chỉ thảm kịch của những cái chết trong cô độc, mà còn cả sự tồn tại bấp bênh và mong manh, do đó, đã thay đổi cả cách sống của chúng ta. Cùng với mọi anh chị em của mình, các Kitô hữu chúng ta đã trải qua những đau khổ và những giới hạn ấy. Các thánh đường của chúng ta bị đóng cửa, các trường học, nhà máy, văn phòng, cửa hàng và những địa điểm vui chơi giải trí cũng vậy. Tất cả chúng ta đều thấy một số quyền tự do nhất định bị hạn chế, trong khi đại dịch không chỉ tạo ra cảm giác đau buồn, mà đôi khi còn khơi dậy cả sự nghi ngờ, sợ hãi và hoang mang. Cộng đồng khoa học đã nhanh chóng tìm ra phương thuốc khắc phục ban đầu cho phép chúng ta dần dần trở lại cuộc sống thường ngày. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng đại dịch sẽ được khắc phục và thế giới sẽ trở lại với mô hình bình thường của các mối tương quan cá nhân cũng như đời sống xã hội. Điều này sẽ dễ dàng đạt được hơn trong mức độ chúng ta hành động với tinh đoàn kết hiệu quả, để những người lân cận nghèo nhất của chúng ta không bị bỏ rơi, và mọi người đều có thể tiếp cận với những đột phá của khoa học và những thuốc men cần thiết.

     Chúng ta phải thổi bùng ngọn lửa hy vọng đã được truyền trao cho mình, đồng thời giúp mọi người lấy lại sức mạnh và sự chắc chắn mới để hướng về tương lai với một tinh thần cởi mở, một tâm hồn tín thác, và tầm nhìn rộng lớn. Năm Thánh sắp tới có thể góp phần to lớn vào việc khôi phục bầu khí hy vọng và tin tưởng như một khúc dạo đầu của sự đổi mới và tái sinh mà tất cả chúng ta đều cho là cấp bách; đó là lý do tại sao Huynh đã chọn chủ đề của Năm Thánh là Những người lữ hành của niềm Hy vọng. Điều này thực sự sẽ xảy ra nếu chúng ta có khả năng phục hồi cảm thức về tình huynh đệ đại đồng và không nhắm mắt làm ngơ trước thảm trạng nghèo đói tràn lan, ngăn cản hàng triệu người nam nữ, người trẻ và trẻ em sống xứng đáng với phẩm giá con người. Ở đây, Huynh đặc biệt nghĩ đến nhiều người tị nạn buộc phải rời bỏ xứ sở của họ. Ước gì tiếng nói của người nghèo được lắng nghe trong suốt thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh, điều này có nghĩa là hãy trả lại quyền hưởng dùng hoa màu từ đất đai cho tất cả mọi người. Như Kinh Thánh dạy, “Sản phẩm tự nhiên của đất trong năm sa-bát sẽ nuôi các ngươi, tôi tớ nam nữ của các ngươi, người làm thuê của các ngươi, khách trọ nhà các ngươi; tóm lại các người trú ngụ nơi các ngươi. Còn gia súc và dã thú ở trong đất các ngươi, thì tất cả hoa lợi của đất sẽ là lương thực cho chúng” (Lv 25, 6-7).

     Vì vậy, chiều kích thiêng liêng của Năm Thánh, vốn mời gọi sự hoán cải, cũng cần bao hàm những khía cạnh cơ bản đó của đời sống chúng ta trong xã hội như thành phần của một tổng thể thống nhất. Khi nhận ra rằng tất cả chúng ta là đều là những người lữ hành trên trái đất này, nơi Thiên Chúa đã đặt chúng ta canh tác và giữ gìn (x. St 2, 15), trên lộ trình của mình, mong sao chúng ta đừng lơ là việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thụ tạo cũng như việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Huynh hy vọng rằng Năm Thánh sắp tới cũng sẽ được cử hành và sống với chủ đích này. Trên thực tế, ngày càng có nhiều người nam và nữ, bao gồm cả người trẻ và trẻ em, nhận ra rằng chăm sóc thụ tạo là một biểu hiện thiết yếu của đức tin nơi Thiên Chúa và sự tuân theo ý muốn của Ngài.

     Hiền Đệ thân mến, Huynh giao phó cho Hiền Đệ trách nhiệm tìm ra những cách thức thích hợp để Năm Thánh được chuẩn bị và cử hành với đức tin sâu sắc, đức cậy sống động và đức ái tích cực. Bộ đặc trách cổ võ Tân Phúc âm hoá sẽ biết cách làm cho thời điểm ân sủng này trở thành một giai đoạn quan trọng cho việc chăm sóc mục vụ của các Giáo hội địa phương, cả Latinh lẫn Đông phương, mà trong những năm này, được kêu gọi để tăng cường cam kết của mình đối với tính hiệp hành. Trong viễn tượng này, cuộc hành hương hướng tới Năm Thánh sẽ diễn tả và củng cố hành trình chung mà Giáo hội được mời gọi đi theo, để ngày càng trở nên dấu chỉ và công cụ trọn vẹn hơn của sự hiệp nhất trong sự đa dạng hài hòa. Điều quan trọng là thúc đẩy sự tái khám phá những đòi hỏi của lời kêu gọi phổ quát đối với sự tham gia có trách nhiệm bằng cách đề cao các đặc sủng và thừa tác vụ mà Chúa Thánh Thần không ngừng ban phát cho việc xây dựng Giáo hội duy nhất. Bốn Hiến chế của Công đồng chung Vatican II, cùng với Huấn quyền của những thập niên gần đây, sẽ tiếp tục định hướng và dẫn dắt dân thánh của Thiên Chúa, để họ có thể tiến bước trong sứ mạng mang lại niềm vui loan báo Phúc âm cho mọi người.

     Theo thông lệ, Tông sắc ấn định Năm thánh sẽ được công bố đúng thời hạn, và sẽ bao gồm những chỉ dẫn cần thiết cho việc cử hành Năm Thánh 2025. Trong thời gian chuẩn bị này, Huynh tha thiết mong rằng chúng ta hãy dành riêng năm 2024, năm trước sự kiện Năm Thánh, cho “bản giao hưởng” tuyệt vời của cầu nguyện. Cầu nguyện, trên hết, để phục hồi ước muốn được ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, để lắng nghe và tôn thờ Ngài. Cầu nguyện, còn để cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao hồng ân tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, và để ca ngợi công trình của Ngài trong thụ tạo, điều này kêu gọi mọi người tôn trọng cũng như hành động cụ thể và có trách nhiệm để bảo vệ thụ tạo. Cầu nguyện như biểu hiện của sự “đồng tâm nhất trí” (x. Cv 4, 32), để rồi được biến đổi thành tình liên đới và sự chia sẻ lương thực hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện giúp mọi người nam nữ trên thế giới này hướng về vị Thiên Chúa duy nhất và bày tỏ với Ngài những gì ẩn giấu sâu thẳm trong tâm hồn mình. Cầu nguyện như con đường cao cả tới sự thánh thiện, giúp chúng ta có thể chiêm niệm ngay trong hoạt động. Tóm lại, ước mong năm chuẩn bị là một năm cầu nguyện mãnh liệt, trong đó tâm hồn được mở ra để đón nhận ân sủng dồi dào của Thiên Chúa và làm cho “Kinh Lạy Cha”, lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, trở nên chương trình sống của mỗi môn đệ của Người.

     Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với Giáo hội trên hành trình chuẩn bị cho biến cố hồng ân của Năm Thánh, và với lòng biết ơn, Huynh ưu ái ban phép lành cho Hiện Đệ và những cộng sự của Hiền Đệ.

     Roma, Đền thánh Gioan Lateran, ngày 11.02.2022.

     Lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

     PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (11.02.2022)

Comments are closed.