[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 6,16-21″]
Chiều đến, các môn đệ Chúa Giêsu xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Ca-phác-na-um. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Người nói với họ: “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
Ở LẠI VỚI CHÚA
Người nói với họ: “Chính Thầy đây, đừng sợ” (Ga 6,20)
Trích đoạn Tin mừng hôm nay là đoạn kết của trình thuật Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống đám đông hơn năm ngàn người. Sau khi chứng kiến những phép lạ cùng được ăn no nê và dư dật, dân chúng có ý định tôn Chúa Giêsu lên làm vua. Đứng trước thành công vang dội, giữa những lời tung hô của dân chúng, Chúa Giêsu và các môn đệ đã có những phản ứng rất khác nhau.
Thánh sử Gioan thuật lại cho chúng ta thấy hai hình ảnh tương phản giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, Chúa Giêsu lánh đi lên núi một mình (x. Ga 6,15) và các môn đệ đi sang bên kia, trẩy về hướng Ca-phác-na-um (Ga 6,17). Chúa Giêsu đi lên, Người đi lên núi một mình. Trong tình thuật cùng tên, thánh Matthêu nói rõ hơn là Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện (x. Mt 14,23). Trong các bản văn Nhất Lãm, các thánh sử thuật lại Chúa Giêsu thường hay ẩn mình trên núi để cầu nguyện. Giữa những công việc, giữa những ồn ào, giữa những thành công vang dội Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa (Lc 6,12). Không chỉ lên núi cầu nguyện, Chúa Giêsu còn dạy dỗ đám đông, chữa lành bệnh nhân,…và trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời dương thế cũng từ trên núi. Ngược lại, thay vì đi với Thầy Giêsu lên núi, các môn đệ lại đi xuống, các ông đi xuống bờ biển, xuống thuyền trẩy về hướng Ca-phác-na-um một thành phố phồn hoa giữa các nền văn hóa và Thánh Gioan nói rõ hơn trời đã tối, và Chúa Giêsu không ở cùng với các ông (Ga 6,16). Trong Thánh Kinh, biển và bóng tối tượng trưng cho quyền lực của tử thần, là nơi ở của ma quỷ. Một khi đã “đi xuống” và không có Thầy Giêsu ở cùng, các môn đệ với sức lực của con người không tài nào có thể chống chọi lại được với quyền lực ác thần cuồng phong thổi lên, biển động mạnh (Ga 6,18) và càng ra sức chống chọi các ông lại càng lún sâu hơn, trình thuật Tin Mừng nói rõ các ông đang ở giữa biển. Chính trong lúc hoảng sợ không còn nơi bám víu, Chúa Giêsu đã tỏ thần lực chiến thắng khi Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và an ủi “Chính thầy đây, đừng sợ” (Ga 6, 20), khi có Chúa biển yên gió lặng, con thuyền của các môn đệ được cập bến an toàn.
Là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi hãy ở lại với Chúa. Trước hết, ở lại với Chúa là trở nên gần gũi với Người, gắn bó với Người như cành nho gắn liền với thân nho để được sống và trổ sinh hoa trái (x. Ga 15,5) trong một xã hội lấy sự hưởng thụ, tiền tài, danh vọng làm thước đo cho thành công và đang kéo dần con người ra xa Chúa, gạt bỏ Chúa ra khỏi cuộc sống như lời thánh Augustinô thốt lên trong tự thuật của mình rằng: Chúa ở trong con mà con không ở lại với Chúa, chính những thú vui, những thụ tạo khác đã cầm giữ con xa Chúa. Nếu chúng ta gắn bó với Chúa, nếu ngọn lửa của Chúa cháy mãi trong tâm hồn chúng ta, hơi ấm của Ngài tỏa lan trong tâm hồn chúng ta, chúng ta có thể thốt lên như thánh Phaolô: “cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-40). Kế đến, ở lại với Chúa là bước ra khỏi chính mình và đến gặp ngời khác. Bởi vì, chúng ta càng gắn bó với Chúa bao nhiêu, Chúa càng trở nên trung tâm của đời sống chúng ta bấy nhiêu. Một khi Chúa trở nên trung tâm của đời sống, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa nhưng là mở lòng ra cho người khác như lời thánh Phaolô dạy: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nơi đâu có sự sống đích thực của Chúa Kitô, nơi đó có sự mở lòng với tha nhân và đi đến với họ bằng tình yêu của Đức Kitô. Nếu tâm hồn chúng ta không có hơi ấm của Chúa, không có tình yêu dịu dàng của Ngài thì là sao chúng ta có thể sưởi ấm được tâm hồn người khác.
Xin Chúa cho mỗi chúng ta luôn có Chúa trong mình, để lời nói, suy nghĩa, việc làm của chúng ta luôn phản chiếu hình ảnh của Chúa. Một Thiên Chúa quyền năng và tràn đầy tình yêu, một Thiên Chúa luôn gần gũi với hết mọi người.
[/loichua]