Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B – Ngày 18-04-2021

Lời Chúa: Lc 24,35-48

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giê-su hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con. Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy. Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây. Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không”. Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Mô-sê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng “Ðấng Ki-tô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại”. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

 


Suy niệm

CUỘC TỬ NẠN HỒNG PHÚC ĐỐI VỚI LOÀI NGƯỜI

“Ðấng Ki-tô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại” (Lc 24,46)

Chúa Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại. Chúa Phục Sinh cũng chính là Chúa đã chịu đóng đinh vào thập giá. Cái chết là cửa ngõ bước vào sự sống và sự sống khơi nguồn từ cái chết. Chúa Phục Sinh vẫn giữ lại những vết dấu của cuộc tử nạn, không phải là cuộc tử nạn đau khổ tuyệt vọng mà là cuộc tử nạn hồng phúc, vì cuộc tử nạn đưa đến vinh quang. Sự Phục Sinh vinh hiển của Chúa cũng chính là sự phục sinh cho những ai tin nhận vào Đức Giêsu Kitô

Sau khi sống lại, Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Điều đó khiến các ông kinh ngạc, sợ hãi và không dám tin vào mắt mình nữa. Nhưng Đức Giêsu trấn an các ông và chứng tỏ Ngài hiện diện thật sự, bằng thân xác cụ thể chứ không phải bằng bóng hình kiểu bóng ma. Vì, những dấu vết cuộc tử nạn giờ đây không còn cho thấy đau khổ nhục nhã, không còn ghê tởm và cam chịu; trái lại đã là nguồn hồng phúc của niềm vui và vinh quang, sức sống tràn đầy và bình an vĩnh cửu. Bởi, tình yêu hiến mạng sống cho người mình yêu đã biến nhục nhã thành vinh quang, đau khổ thành vui mừng và sự chết thành sự sống. Các vết thương hồng phúc của Đức Giêsu lưu lại mãi nơi thân thể vinh quang Phục Sinh như dấu chứng ngàn đời của vị Thiên Chúa yêu thương con người, yêu cho đến tận cùng. Chính nhờ tình yêu đó, sau khi các tông đồ đã được “Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh” (Lc 24,45) và khi niềm tin đã trở nên vững mạnh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, các ngài đã thực sự trở thành những chứng nhân anh dũng, bất chấp mọi trở ngại, mọi cấm đoán, đe dọa, tù tội, tra tấn. Các ngài đã lớn tiếng rao giảng, loan báo và sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh, không chỉ bằng lời nói, bằng việc rao giảng nhưng còn bằng chính mạng sống của họ nữa. “phải nhân Danh Người mà rao giảng cho muôn dân”(Lc 24,47), hay “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Lời Chúa”.

Biến cố Chúa Phục sinh không lấy đi nỗi đau khổ, hoặc loại trừ nỗi sợ hãi của chúng ta. Nhưng Chúa Phục Sinh giới thiệu một yếu tố mới cho cuộc sống, đem lại ý nghĩa và soi sáng cho nỗi đau khổ của chúng ta bằng niềm hy vọng. Một cuộc tử nạn hồng phúc thực sự. Bởi nhờ đó, cũng như các tông đồ đã được củng cố đức tin vì được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Đức Giêsu và được nghe Người giải nghĩa Thánh Kinh, đức tin của ta dẫu còn rất non yếu, nhưng nếu chúng ta biết bắt chước các tông đồ củng cố đức tin bằng cách năng gặp gỡ Đức Giêsu trong Thánh Lễ, trong giờ kinh, nhất là trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa, thì ta sẽ nhìn thấy Chúa trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống. Và khi có Chúa song hành, mọi đau khổ trong cuộc sống chúng ta sẽ có giá trị cứu độ vì được kết hợp với cuộc tử nạn hồng phúc của Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết tín thác vào Chúa trong những lúc thất sa ngã, những lỗi lầm của bản thân và của anh chị em, để chúng ta tin chắc rằng, nhờ vào cuộc khổ nạn hồng phúc của Chúa, chúng ta cũng được Chúa ban cho lời chúc bình an năm xưa, để tâm hồn chúng ta không lo lắng, buồn phiền, nhưng ngập tràn hạnh phúc, và bình an của Đấng Phục Sinh vinh hiển, hầu có thể đem niềm vui đó đến cho nhân loại. Amen.


Comments are closed.