Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên – Ngày 5/11/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 16,9-15″]

“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”. Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỬ DỤNG TIỀN CỦA CÁCH KHÔN NGOAN

“hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè.” (x. Lc 16,9)

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tiền tài, nhân nghĩa tận”. Câu tục ngữ ấy nhằm chê thói đời vì quá trọng tiền bạc mà không còn tình nghĩa. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta một bài học khôn ngoan hơn về thái độ phải có đối với tiền bạc: thay vì để tiền bạc làm mất tình nghĩa, ta hãy dùng nó để tạo ra những mối tương quan tốt đẹp.

Trích đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe nối tiếp đoạn Tin Mừng hôm qua kể về dụ ngôn của người quản gia bất lương. Anh ta đã ăn cắp của chủ mình một cách khéo léo. Tất nhiên, Chúa Giêsu không dạy chúng ta bắt chước cách ăn cắp khéo léo của anh ta để có được tiền của bất chính, nhưng Người muốn chúng ta chú ý đến cách anh ta sử dụng tiền của. Sự khôn khéo của anh ta trong cách sử dụng tiền của dù là bất chính, đã giúp anh có được những mối tương quan có thể giúp ích cho anh sau này. Giả tỷ đó không phải là tiền của bất chính mà là tiền của chính đáng do mồ hôi công sức anh ta làm ra thì sẽ ích lợi và quý giá biết chừng nào.

Trong cuộc sống, chúng ta có thể đã gặp thấy biết bao ân nhân dùng tiền bạc để giúp học bổng cho các học sinh sinh viên có thể theo đuổi việc học đến cùng. Chúng ta cũng có thể gặp thấy biết bao nhà hảo tâm đã dùng tiền bạc để giúp đỡ những người nghèo có được những phần ăn miễn phí tại các bệnh viện hay những quán cơm “không đồng”. Hay gần đây, có gia đình dự tính sẽ mua thêm một cái tivi đời mới hơn, nhưng khi hay tin đồng bào miền Trung gặp khó khăn vì bão lũ họ đã dành số tiền đó để hỗ trợ cho những anh em đồng bào mình vượt qua lúc khó khăn. Bên cạnh đó, dù không được ai biết đến nhưng chắc chắn vẫn còn có nhiều người, tuy không giàu có nhưng luôn biết chắt chiu những khoản chi tiêu ăn uống của mình, để giúp đỡ cho những anh chị em nghèo khổ đang phải vật lộn với cuộc mưu sinh. Khi chúng ta biết sử dụng tiền của vật chất cách khôn ngoan bằng việc sẻ chia giúp cho đời sống của người khác trở nên dễ chịu hơn, chúng ta không chỉ tạo ra những mối tương quan tốt đẹp trong cuộc đời mà chúng ta còn trở nên những người giàu có thật sự. Vì lẽ, sự giàu có thật của con người không ở những gì mình nắm giữ, nhưng ở những gì mình cho đi. Đó cũng là sự giàu có được Thiên Chúa chúc lành.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan khi đứng trước tiền của vật chất, để chúng con không trở nên những kẻ tham lam ngốc nghếch, nhưng biết cách sử dụng và quản lý tiền bạc theo tinh thần của Tin Mừng. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.