[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 14, 1.7-11″]
Một ngày Sabath kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CON ĐƯỜNG TỰ HẠ
“Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”
Trong đám tiệc, chỗ nhất thường cho biết địa vị cũng như quyền thế của vị khách được mời. Đó là niềm vinh dự mà chủ tiệc và mọi người muốn dành cho vị khách ấy. Hơn nữa, vị khách ấy nếu tự cho mình không xứng được ngồi chỗ nhất thì người ấy thực là người đáng được tôn lên. Đó cũng là lời giáo huấn của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe: “Phàm ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Nhân dịp nghỉ lễ ngày Sabath, cùng với những người Biệt phái khác Chúa Giêsu được vị thủ lãnh Biệt phái mời đến dùng bữa. Vì là ngày nghỉ, người Do thái có lẽ thiết đãi tiệc sẽ lớn hơn mọi ngày. Thánh Luca kể lại khung cảnh của bữa ăn diễn ra không mấy thân thiện cho lắm, vì khi Chúa Giêsu đến thì họ cố dò xét Người. Tuy vậy, Chúa Giêsu càng muốn cho họ thấy việc Ngài đến thế gian không phải để tìm kiếm người công chính, nhưng là người tội lỗi. Vì thế, một cách tế nhị trước những thực khách của bữa tiệc, Đức Giêsu đã lấy lại lời khôn ngoan của sách Châm ngôn để cảnh giác những người đang tìm cho mình chỗ nhất mà không phải là chỗ rốt hết. Bởi nếu như thế thì người ấy sẽ phải xấu hổ đi xuống chỗ rốt hết vì có người cao trọng hơn được mời lên. Điều này thì không hay đối với những người được dân kính trọng như nhóm Phariseu. Vì trong mắt người dân bấy giờ, những người thuộc phái Phariseu được xem là những bậc thầy, là người có học thức, đạo đức, luôn giữ luật nghiêm túc. Cũng bởi giữ luật nghiêm túc mà khiến họ luôn cảm thấy tự hào, tự xem mình là người công chính hơn những người khác: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.(Lc 18,11-12)”. Nhưng giờ đây, Chúa Giêsu muốn cho họ thấy quan điểm của Thiên Chúa thì trái ngược hoàn toàn. Người công chính thật không phải tự nâng mình lên, mà ngược lại là phải biết hạ mình xuống, để chính Thiên Chúa nâng lên: “phàm ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Bởi “Thiên Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52)
Phần chúng ta, những tín hữu nghe những lời Chúa cảnh giác đối với những người Phariseu cũng là dịp để chúng ta nhìn lại đời sống mình. Hơn hết, khi nhắc lại lời của sách Châm ngôn: khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng đây không chỉ phép lịch sự trong giao tế xã hội, nhưng Người còn muốn dẫn ta đến một mạc khải của chính Người. Bởi Người vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã trở nên phàm nhân, sống như người trần thế, Người đã hạ mình và vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết (x. Pl 2, 6-8). Qua đó, Chúa muốn chúng ta cũng hãy biết sống con đường tự hạ này như Người, không phải để được người khác nâng lên, nhưng là để chính Thiên Chúa sẽ nâng chúng ta lên, vì tâm hồn chúng ta thật đã nên như trẻ nhỏ rồi.
-Một hôm có người hỏi Socrates – triết gia Hy Lạp cổ đại: “Ông là người có học vấn uyên thâm nhất thiên hạ, ông có biết khoảng cách giữa trời và đất là bao nhiêu không?”
-Socrates trả lời: “Ba thước”.
-Người này tỏ vẻ nghi hoặc nói: “Thưa ông, ngoài trẻ con ra thì con người chúng ta ai cũng cao 5, 6 thước, nếu khoảng cách giữa trời và đất chỉ có 3 thước, thì chẳng phải chúng ta đã đâm thủng bầu trời rồi hay sao?”
– Socrates tiếp tục nói: “Đúng vậy, phàm là ai cao hơn ba thước, nếu muốn đứng được ở giữa trời và đất, thì phải biết cúi đầu xuống”.
Sách Huấn Ca dạy rằng: “Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, con sẽ được đẹp lòng Chúa”. Xin cho mỗi chúng ta yêu mến con đường tự hạ để đời sống ta luôn được dành cho Chúa và tha nhân. Amen.
[/loichua]