Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên – Ngày 23/10/2021

Lời Chúa: Lc 13, 1-9

13,1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng : “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? 3 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? 5 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này : “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn : ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?’ 8 Nhưng người làm vườn đáp : ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.'”

 


Suy niệm

HÃY SÁM HỐI

“Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,2)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, một số người muốn kể cho Đức Giêsu nghe vụ những người bị Philatô giết khiến máu của họ trộn lẫn với lễ vật. Có lẽ, họ muốn Chúa Giêsu bày tỏ thái độ chống đối rõ ràng với nhà cầm quyền của đế quốc đang đô hộ. Nhưng thay vào đó, Chúa lại nói cho họ một bài học về sự sám hối. Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy (Lc13, 2).

Sám hối là điều mà Chúa mời gọi chúng ta thực hiện khi thấy một dấu chỉ. Dấu chỉ đó không nhất thiết là những biến cố xảy đến với chính mình mà nó còn có thể là những gì xảy ra ở một nơi khác mà chúng ta được biết đến. Vì thế, với bất kỳ biến cố nào, chúng ta được mời gọi nhìn vào mình để canh tân đời sống. Sám hối không hẳn là một cảm xúc đau khổ buồn phiền về con người mình yếu đuối phạm tội, nhưng là một sự thay đổi. Sự thay đổi đó chính là thay đổi con tim, thay đổi suy nghĩ và thay đổi hành động. Thay đổi con tim chai đá trở nên một trái tim biết yêu thương, để liên đới với tha nhân trong tình yêu. Thay đổi suy nghĩ để canh tân tư tưởng và tinh thần của mình theo đường lối của Chúa, để chúng ta không chỉ nghĩ cho mình mà còn biết nghĩ và hy sinh cho người khác. Thay đổi hành động để qua hành động chúng ta biểu lộ một tình yêu dấn thân hy sinh, và đồng thời cũng làm trổ sinh những hoa trái tốt lành cho chính cuộc sống của mình. Như thế, sám hối là một sự thay đổi rất tích cực. Nó là thay đổi trong niềm vui, niềm hăng say dấn thân làm trổ sinh bông trái chứ không phải là sự đau buồn chán nản.

Biến cố đau khổ vẫn thường xuyên xảy ra xung quanh đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể chứng kiến những vụ tai nạn, nghe kể về những cái chết bất ưng, hay xem trên các trang mạng xã hội về nhiều biến cố đau khổ đột ngột. Liệu những biến cố đó có trở nên các dấu chỉ giúp chúng ta sám hối để đến gần hơn với Chúa?

Qua đại dịch covid 19 chắc hẳn mỗi người chúng ta đều cảm thấy rằng, chúng ta không sống một mình, chúng ta cần sự liên đới và cũng phải liên đới với những người khác. Ở giữa làn ranh sống – chết, cảm nhận được sự sống của mình rất mong manh, chúng ta mới nhận ra mình cần Chúa và cần những người khác. Xin cho mỗi người chúng ta biết nhận ra các dấu chỉ mà Chúa gửi đến, để nhờ đó chúng ta biết sám hối, biết thay đổi bản thân để đến gần hơn với Chúa cũng như với tha nhân. Amen.


Comments are closed.