[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 23, 1-12″]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các luật sĩ và các người Biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm điều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi, ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG VÀ KHIÊM TỐN
“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23, 11-12).
Ông bà xưa của chúng ta có câu “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”. Là người ai cũng trọng danh dự và muốn sống sao để được danh thơm tiếng tốt . Thế nên, biết bao người đã cố gắng xây dựng đời mình bằng cách nỗ lực vươn lên về mặt xã hội, về tri thức và tinh thần, nhưng cũng không thiếu những người chỉ lo tìm kiếm hư danh. Họ sống chỉ vì lời khen tặng mà không biết tìm thiện ích cho tha nhân và xã hội. Thái độ và lối sống ăn trên ngồi trốc của họ sẽ bị đồng loại và Thiên Chúa lên án.
Với bài Tin Mừng theo thánh Mat-thêu, Chúa quở trách một số người Pha-ri-sêu nói mà không làm. Giữa lời nói và hành động thì luôn mâu thuẫn. Họ đọc kinh nhưng không có lòng mến Chúa mà chỉ để phô trương. Vậy những gì họ dạy, thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng cách họ hành động, thì ‘đừng có làm theo’; bởi vì “họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4). Xa hơn, Đức Giêsu cho thấy động lực của thái độ này: “họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy”, tức là lòng “kiêu ngạo”. Những người Pharisêu đã sử dụng quyền bính được trao cho mình để tìm vinh quang cho cá nhân và thu lợi cho riêng mình. Đó là một sự sai lầm, một sự lạm dụng quyền bính. Sự lạm dụng này đã biến họ trở thành những người đồi bại, ngược hẳn với điều họ bắt người khác làm.
Xã hội hôm nay cũng có người mang dáng dấp của những người biệt phái. Cũng làm ít nói nhiều, đôi khi chẳng làm nhưng vẫn thích kể công. Dẫu có những người chuộng tấm bằng và lời khen, nhưng không thiếu các Kitô hữu và nhiều anh chị em lương dân đã âm thầm phục vụ mà không cần ai biết đến, cũng chẳng cần lời khen tặng. Yêu thương và khiêm tốn phục vụ được thể hiện qua các bổn phận hàng ngày của mỗi người, đó là phục vụ với lòng yêu mến, để tạo niềm vui cho người khác, xây dựng tình hynh đệ đại đồng, giúp nhau thăng tiến. Bất cứ là ai nếu muốn sống tinh thần yêu thương và phục vụ thì cũng đều nhắm mục đích tương trợ, kiến tạo niềm vui, sự bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. Ở tầm mức thiêng liêng, thánh Phaolô sánh ví mỗi người là chi thể, chỉ tồn tại khi liên kết với các chi thể khác trong một thân thể toàn diện: “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy, tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Ðức Kitô, ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban” (Rm 12,4-6). Chính Chúa Giêsu cũng đã làm gương bằng việc thực hành những gì Chúa dạy cho dân. Tuy Người là Chúa và là Thầy, nhưng Người luôn coi mình như bạn hữu, như anh em, và nhất là như đầy tớ phục vụ và yêu thương các môn đệ cho đến cùng “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45). Chúng ta chỉ có thể sống yêu thương phục vụ cách dễ dàng khi nhìn vào gương Chúa Giêsu. Chính Người đã dạy: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (Mt 23, 11-12). Như thế, “làm lớn” theo quan điểm của Đức Giêsu chính là cúi xuống trước anh em để chân tình phục vụ họ trong yêu thương.
Vào thời đại của chúng ta, khiêm nhường là nhân đức bị hiểu lầm nhiều nhất. Khiêm nhường bị coi như là sự yếu đuối. Sống khiêm nhường không có nghĩa là để thuộc cấp chèn ép hay sống theo mặc cảm tự ti. Khiêm nhường không phải là như thế. Con người khiêm nhường biết chỗ đứng của mình và đứng vào chỗ đó. Nếu người khiêm nhường được yêu cầu đứng ra điều khiển, cai trị, họ sẽ làm việc đó. Khi họ được yêu cầu phục vụ kẻ khác, họ sẽ phục vụ. Nhưng cả trong những ngày giờ huy hoàng nhất, người khiêm nhường luôn nhớ rằng tất cả những gì mình là, hay mình làm đều đến từ Thiên Chúa. Môn đệ của Chúa Giêsu là chọn lấy con đường phục vụ và phục vụ cho tới cùng. Ðó cũng chính là ơn gọi làm người, sống cho ra người và thành toàn trong nhân cách là sống phục vụ. Càng phục vụ càng quên mình, con người càng tìm lại được bản thân. Hoặc là sống yêu thương và phục vụ để tìm gặp lại bản thân hoặc là mải mê chạy theo tiền của, chức quyền, danh vọng mà đánh mất chính mình. Ðó là chọn lựa cơ bản và quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta.
Lạy Chúa! Là con cái Chúa và là anh chị em với nhau, xin dạy cho chúng con biết thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng chân thật. Xin Chúa cho chúng con trở thành những tông đồ đích thực của Chúa, học biết và yêu mến con đường phục vụ của Chúa: phục vụ vì yêu thương với tất cả sự khiêm tốn, và hiến mình bằng một tình yêu cho đi đến cùng. Amen.
[/loichua]