Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay – Ngày 16/03/2024

Lời Chúa: Ga 7, 40 - 53

Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giê-su giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: “Ông này thật là tiên tri”. Kẻ khác nói : “Ông này thật là Ðấng Ki-tô”. Người khác nữa lại nói: “Ðấng Ki-tô xuất thân từ Ga-li-lê-a sao. Nào Kinh Thánh chẳng nói : Ðấng Ki-tô xuất thân bởi dòng dõi Ða-vít, và từ làng Bê-lem, quê hương của Ða-vít”. Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng : “Tại sao các ngươi không điệu nó tới”. Các người thừa hành thưa rằng : “Chẳng hề có ai nói như người ấy”. Các người biệt phái trả lời rằng : “Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao. Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu. Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật”. Ni-cô-đê-mô là người đã tới gặp Chúa Giê-su ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng : “Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không”. Nhưng họ trả lời rằng : “Hay ông cũng là người Ga-li-lê-a. Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Ga-li-lê-a”. Sau đó ai về nhà nấy.

 


Suy niệm

TIN VỚI TÂM HỒN ĐƠN SƠ, KHIÊM HẠ

Kẻ khác rằng : “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói : “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao ? (Ga 7, 41)

Qua bao nhiêu thế hệ, kể từ khi Chúa Giêsu nhập thể làm người và thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng thực hiện ơn cứu độ cho con người, lúc nào cũng có những con người cứng lòng chối bỏ Chúa và ngược lại cũng có những tâm hồn chân thành, đơn sơ tin yêu Chúa. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy có nhiều phản ứng khác nhau về Chúa Giêsu trong dân chúng. Có kẻ cho rằng “Người là một tiên tri”. Có người lại nghĩ rằng “Người là Đấng Kitô”. Người khác nữa lại phản bác: “Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao”. Họ đâm ra chia rẽ, thậm chí có những kẻ muốn bắt Người. Chúng ta nhận thấy có hai phản ứng của hai nhóm khác nhau.

Thứ nhất, các thượng tế và những người Pharisêu là những người học cao, hiểu rộng, họ nghiên cứu Kinh Thánh và kết luận rằng: “Không một tiên tri nào xuất thân từ Galilêa”. Đối với họ, chỉ những người không hiểu biết mới bị mê hoặc và tin vào Chúa Giêsu, còn hàng thủ lãnh và giới Pharisêu thì đâu có ai tin. Vì thành kiến và tự mãn về những kiến thức của mình nên họ chỉ nhìn thấy khía cạnh nhân loại của Chúa Giêsu, về nguồn gốc, xuất thân… Kiến thức và sự hiểu biết không giúp ích cho lòng tin của họ, trái lại vì quá tự tin về khả năng của mình, họ đánh mất cơ hội đón nhận Chân Lý. Trong nhóm Pharisêu có ông Nicôđêmô. Trước đây, ông đã kín đáo đến với Chúa Giêsu, nay trước giới lãnh đạo, ông đã công khai đứng lên, không những bênh vực cho sự thật mà còn chất vấn giới cầm quyền: “Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không”.

Thứ hai, nhóm các vệ binh, những người được sai đi để bắt Chúa Giêsu, tuy ít học, bị xem là bọn dân đen, không biết lề luật, nhưng họ không những không bắt Người mà còn bày tỏ sự thán phục: “Chẳng hề có ai nói như người ấy”. Họ không bị những kiến thức chi phối, không bị những não trạng thành kiến làm mất tính khách quan. Qua những gì họ nghe và thấy, họ chỉ đơn sơ nhìn nhận rằng, quả thật những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu thật phi thường, dù Người chỉ xuất thân từ làng Nazaret, miền Galilêa không mấy tiếng tăm. Họ thuộc vào số những người có tâm hồn đơn sơ, chân thành, những người bé mọn và thấp kém trước mắt mọi người nhưng lại biết mở lòng để đón nhận Chân Lý.

Đức tin đến từ Thiên Chúa và cần được củng cố nhờ sự hiểu biết, nhưng kiến thức và sự hiểu biết không nhất thiết dẫn chúng ta đến đức tin chân thật. Học hỏi giúp chúng ta đào sâu đức tin nhưng không phải ai học sâu, hiểu rộng cũng tin một cách chắc chắn và sâu sắc. Đức tin cần có sự hiểu biết và soi sáng lý trí để tránh tin một cách mù quáng, lệch lạc, nhưng không phải lúc nào lý trí cũng có khả năng lý giải hay kín múc được tất cả mọi chân lý đức tin. Trong thư Hipri nói rằng: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Hr 11,1). Đức tin giúp chúng ta sống niềm hy vọng, hy vọng những điều tốt đẹp sẽ chiến thắng những điều xấu xa, hy vọng tình yêu sẽ vượt lên trên hận thù, hy vọng vào tương lai tươi sáng cho nhân loại nếu mỗi người đều góp một điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời này… Đức tin là bằng chứng những điều ta không thấy. Dù không thấy hay chưa thấy, chúng ta vẫn tin vì có Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người là đối tượng của đức tin. Chúng ta cần một tâm hồn đơn sơ, bé mọn tìm kiếm Thiên Chúa cách chân thành mới mong gặp thấy Lời Chân Lý là chính Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa mở mắt đức tin, để nhận ra sự hiện diện của Chúa, đồng thời ban cho chúng ta có một tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ và luôn rộng mở với ánh sáng Lời Chúa để mỗi ngày chúng ta lớn lên trong đức tin, trong mối tương quan với Chúa Giêsu. Amen.


Comments are closed.