Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay – Ngày 13-03-2021

Lời Chúa: Lc 18, 9-14

Khi ấy, Chúa Giê-su nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

 


Suy niệm

THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI BIẾT SỐNG KHIÊM HẠ

“Ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên” (Lc 18,14).

Với lời loan báo “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32), Chúa Giêsu luôn quan tâm và chạnh lòng thương đến hết mọi người. Như một “thầy thuốc thánh thiêng”, bằng trái tim đầy lòng xót thương, Chúa đối xử với các tội nhân cách nhân từ, cảm thông, dịu dàng và rộng lượng. Điều này được thể hiện rõ ràng qua lời mời gọi của Chúa dành cho những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác.

Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca rất tinh tế phác hoạ hai lối sống đạo được tỏ lộ trước mặt Thiên Chúa. Đời sống người biệt phái, một người mẫu mực trung thành với Lề Luật, nhưng lại tự phụ. Do quá hài lòng về việc tuân giữ luật, nên ông tự cho mình là tốt hơn những người khác. Lòng trí ông hướng về chính mình, ông nhìn anh em bằng thái độ kiêu căng và thẳng thừng khinh miệt (x. Lc 18,11-12). Vì thế, ông đã chẳng hướng về Thiên Chúa và nài xin Chúa xót thương ông. Quả vậy, vì khi thiếu khiêm tốn và tự cho mình công chính hơn người khác, thì chính là lúc ông làm mất ơn nghĩa với Chúa. Khác hẳn với người biệt phái, người thu thuế, người bị coi là đầy tội lỗi, nhưng ông biết nhìn lầm lỗi của bản thân, nhận ra tội trạng trầm trọng của mình. Do đó, ông chẳng dám ngước mắt nhìn lên, chỉ biết đấm ngực ăn năn và kêu xin lòng thương xót Chúa. Ông hoàn toàn tín thác cho lòng từ bi của Chúa “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13). Nhờ tâm tình nhìn nhận thân phận tội lỗi ấy mà Chúa đã đoái thương và tha thứ tội lỗi cho ông. Như thế, qua dụ ngôn, Chúa Giêsu cho thấy lòng khiêm nhu tín thác thì làm đẹp lòng Thiên Chúa và sự khiêm nhường thành thật khiến con người gắn bó, cảm thông với nhau.

Mùa Chay là dịp thuận lợi giúp người Kitô hữu sống tâm tình thống hối, ăn năn để giao hoà với Chúa và tha nhân. Khởi đầu cho việc giao hoà là mỗi người ý thức thân phận mỏng manh cần được Chúa đỡ nâng; xác tín Chúa là Đấng ban ân sủng và làm cho ta nên công chính. Chắc hẳn, không ai trong chúng ta muốn theo vết xe đổ của người biệt phái trong dụ ngôn. Vì thế, mỗi chúng ta cần tránh thái độ bằng lòng, tự mãn về bản thân; thay những lời chê bai, khinh bỉ khi thấy người khác mắc lỗi bằng lời cầu nguyện và sự cảm thông chân thành. Theo gương Chúa Giêsu, mỗi ngày ta nỗ lực sống khiêm nhường phục vụ, bởi đây là phương thế hữu hiệu để diệt trừ thói kiêu ngạo, giúp ta can đảm đón nhận những bất toàn của bản thân và tha nhân, nhờ đó thăng tiến hơn trên con đường nên thánh. Hơn hết, chúng ta trung thành sống niềm tín thác “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20), và sống niềm hy vọng nhờ ơn Chúa trợ giúp chúng ta sẽ được vững bước trên đường ngay nẻo chính.

“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 50,3-4). Qua lời Thánh vịnh trên, xin cho mỗi chúng ta luôn ý thức những giới hạn của bản thân để biết cải thiện đời sống và phó thác cuộc đời cho Chúa ngõ hầu vững lòng cậy trông trên hành trình hướng về Nước Trời.


Comments are closed.