Thứ Bảy Tuần 29 Thường Niên – Ngày 24/10/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 13, 1-9″]

Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SÁM HỐI TỪ LỐI NHÌN

“Không phải thế đâu; nhưng nếu không sám hối thì các ông cũng bị chết hết như vậy” (Lc 13, 5).

Công đồng Trentô định nghĩa: “Sám hối là cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải”. Đau buồn và gớm ghét nhìn về quá khứ, còn quyết tâm chừa cải nhắm tới tương lai. Do đó, sám hối là một hành trình trở về. Đã là hành trình thì cần phải có thời gian. Tuy nhiên thời gian chờ đợi có hạn như trong dụ ngôn cây vả không sinh trái.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, không phải một cách tình cờ mà những người Do thái kể với Chúa Giêsu trường hợp những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, hay những người Giêrusalem bị đè chết bởi tháp Silôác. Khi nhắc lại các biến cố đó, những người Do thái muốn lên án tội lỗi của kẻ khác trước mặt Chúa Giêsu. Sâu xa hơn, họ hàm ý rằng, họ là những người sống công chính hơn những nạn nhân trong vụ sát hại của Philatô và bị tháp Silôác đè chết. Cho nên, Thiên Chúa luôn xét xử công minh và thưởng phúc phạt tội ngay ở đời này. Quan điểm này cũng gắn liền với Dân Thiên Chúa ngày xưa khi tin rằng các tai ương, hoạn nạn xảy ra cho người khác là do chính tội lỗi đã phạm như trong sách Gióp (x. G 4, 17), hay sách Êdêkien đã nói: “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết” (Ed 18, 26).

Qua sự kiện này, Chúa Giêsu đã chỉnh lại lối nhìn ấy bằng việc mời gọi họ thay đổi suy nghĩ và đi đến tận cùng là phải sám hối trở về với Thiên Chúa, qua hai lần nhấn mạnh điệp khúc: “Không phải thế đâu; nhưng nếu không sám hối thì các ông cũng bị chết hết như vậy” (Lc 13, 5). Như vậy, lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng là lời phản tỉnh không chỉ với người Do thái mà còn với chúng ta là những con người thời đại. Do đó, mỗi chúng ta phải khởi đi từ chính lối nhìn của mình với một cách suy nghĩ khác, một cách nhìn khác về Chúa và về anh em. Bởi xét theo lẽ thường, chúng ta thường hay có thái độ khinh thị người khác và tự cho mình tốt lành hơn cả. Thánh Phaolô gợi ý cho chúng ta hãy nhìn các sự kiện đó như là những lời cảnh báo, vì “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10, 12).

Do đó, chúng ta cần phải sám hối ngay từ lối nhìn nơi tâm thức để mặc lấy những tâm tình của Chúa và hành xử như Chúa đã nêu gương với nét đẹp dịu dàng của sự vị tha, quảng đại và hy vọng. Dụ ngôn người làm vườn đã lột tả về gương mặt Thiên Chúa hằng sống trong sự tin cậy không mệt mỏi, và ở Người “sự kiên nhẫn là tên gọi khác của tình yêu”. Tuy nhiên, Thiên Chúa không phải kiên nhẫn theo nghĩa bằng lòng chờ đợi, mà cách tích cực Thiên Chúa làm mọi sự để đưa con người trở về với Người, qua việc Thiên Chúa gieo rắc trên con đường mỗi người những dấu chỉ kín đáo và sự can thiệp vào những thời điểm thích hợp. Đồng thời, sám hối từ phía con người phải là sự đáp lại thật tình. Dẫu rằng, sám hối là một điều khó, một tiến trình liên lỉ, dài hạn, đòi hỏi một sự hy sinh và can đảm với ơn Chúa. Nhưng với niềm xác tín vào lòng Chúa xót thương thì hành trình trở về với Chúa là một sự sám hối tự bên trong qua lối nhìn và cách hành xử như Chúa là Đấng đã yêu thương đến cùng (x. Ga 13, 1).

Xin Chúa giúp chúng ta đổi mới lối nhìn với cái nhìn phản tỉnh và cái nhìn cảm thông, để mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời giúp chúng ta luôn biết sáng suốt nhận ra mình là những tội nhân cần phải sám hối để được Chúa xót thương, và luôn sẵn lòng cảm thông với người khác trong tình yêu thương tha thứ. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.