Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!” Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: “Tôi sẽ đến chữa nó”. Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi, tôi bảo người kia đến thì anh đến, tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!” Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Ðoạn Chúa nói với viên sĩ quan rằng: “Ông cứ về, ông được như ông đã tin”. Và ngay giờ ấy, gia nhân ông đã được lành mạnh. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang sốt rét liệt giường. Chúa chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi. Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài. Ðến chiều, họ đưa đến cho Chúa nhiều người bị quỷ ám: Chúa dùng lời đuổi quỷ, và chữa lành tất cả các bệnh nhân, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói rằng: “Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta”.[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
“Người ta đem nhiều kẻ bị quỉ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ đau ốm”. (Mt 8,16)
Nếu như bệnh tật luôn được coi là hậu quả của tội lỗi trong quan niệm người Do-thái thì Chúa Giêsu một mặt đã xoá bỏ quan niệm ấy bằng chính hành động cứu chữa của Ngài. Chúa chữa lành cho người bị bệnh phong thể hiện tình thương yêu đối với người bị xã hội ruồng bỏ và coi là ô uế. Chúa chữa lành bà mẹ vợ của Phêrô khỏi cơn sốt thể hiện sự quan tâm tới thân phận người phụ nữ thường bị xã hội khinh bỉ và coi thường. Bên cạnh ấy, bằng việc chữa lành người đầy tớ của viên bách quản quân đội Rôma, Chúa Giêsu không thu hẹp ân ban trong phạm vi dân riêng của Ngài, nhưng đã đi ra ngoài biên cương ấy để ban ơn cứu độ phổ quát cho dân ngoại. Qua việc chữa lành những căn bệnh thể xác của con người, Chúa Giêsu không chỉ xoá bỏ đau khổ, tha thứ tội lỗi của dân Chúa, nhưng chính Ngài còn nhận lấy cho mình những đau khổ ấy và đỉnh cao chính là nơi đồi Canvê khi Chúa chịu chết trên thánh giá để ban ơn cứu độ và giải thoát nhân loại khỏi đau khổ.
Từ hành động chữa lành của Chúa Giêsu đối với những người đau khổ bệnh tật, những người bị bỏ rơi, bị chà đạp nhân phẩm, chúng ta học nơi Ngài bài học yêu thương. Bài học ấy chính là việc mỗi người chúng ta biết dẹp bỏ cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, kỳ thị và khép kín để mở lòng quảng đại đến với tha nhân bằng trái tim biết chạnh thương và bằng hành động chữa lành. Trong một xã hội dửng dưng với người đau khổ, chúng ta hãy cúi xuống như người Samaritanô nhân hậu băng bó vết thương cho người bị hại. Chúng ta hãy học lấy tinh thần phục vụ của mẹ Têrêxa Calcuta để mọi người nhận ra tình thương Thiên Chúa luôn hiện diện trong đời sống. Đó là cách chúng ta công bố và sống lòng thương xót của Thiên Chúa.
Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, xin chữa lành những tật bệnh thể xác và tâm hồn của chúng con. Amen.