Thứ Ba Tuần V Thường Niên – Ngày 6/2/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 7, 1-13″]

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)”, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐIỀU CỐT YẾU

“Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.” (Mc 7,8)

Chữa lành một người bị thần ô uế nhập là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu trong sứ vụ tại Galilê (Mc 1,21-28). Bài Tin Mừng vừa nghe là phần kết thúc sứ vụ tại Galilê của Đức Giêsu, và chủ đề ô uế được nhắc lại qua câu hỏi: cái bên trong hay cái bên ngoài khiến con người ra ô uế? (Mc 7,14-23).

Người Do Thái có nhiều cách để định nghĩa về sự ô uế. Chẳng hạn, để tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa trước khi ăn sẽ bị ra ô uế. Những tập tục như thế lẽ ra được khuyến khích vì có lợi cho sức khoẻ cộng đồng, thế nhưng, truyền thống Do Thái lại coi nó như thước đo, tiêu chuẩn đánh giá tính thanh sạch hay ô uế nơi con người. Sở dĩ vấn đề sạch-dơ được truyền thống Do Thái chú trọng, cũng bởi các thói tục người ngoại luôn là mối đe doạ tới thế giá, việc thực hành và bảo tồn truyền thống luật Môsê. Thành thử, khi chứng kiến các môn đệ Đức Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa, nhóm Kinh sư và người Pharisêu lập tức tiến hành thẩm vấn, cáo buộc và kết tội các môn đệ. Vô hình chung, các môn đệ Đức Giêsu bị coi là ô uế. Dĩ nhiên, cả Đức Giêsu với tư cách là thầy dạy cũng không ngoại lệ.

Là Thiên Chúa, Đức Giêsu có uy quyền trên luật thanh sạch của phàm nhân. Việc tranh luận của Đức Giêsu với các Kinh sư và người Pharisêu không nhằm huỷ bỏ lề luật, hay để hơn thua với các đối thủ đang cáo buộc Người. Đức Giêsu muốn lấy lại vị thế của Luật Thiên Chúa trong đời sống Do Thái giáo – vị thế đang bị lu mờ bởi truyền thống con người. Đồng thời, Chúa Giêsu không nói sự tẩy rửa bên ngoài là không tốt. Song việc thực hành đó gò bó, đang dần hạ thấp phẩm giá con người. Bằng chứng là các môn đệ và nhiều người bị định giá và dán nhãn ô uế chỉ không rửa tay trước khi ăn uống. Cả những người bệnh tật, goá bụa, phong cùi, kẻ tội lỗi và nhiều mảnh đời bất hạnh khác cũng bị liệt vào hạng ô uế.

Vậy đâu mới là sự thanh tẩy đích thực? Sự thanh tẩy sâu xa mà Đức Giêsu muốn phải là sự hoán cải tự bên trong, loại bỏ những ý định xấu của lòng người như: tà dâm, trộm cắp, giết người ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, kiêu ngạo, phỉ báng, ngông cuồng … (x. Mc 7, 21-22) hầu có thể chấm dứt một nền thờ tự “tôn kính ngoài môi miệng, còn lòng dạ thì xa rời Thiên Chúa.” (x.Mc 7,6)

Nhìn vào thực tế, căn bệnh vụ hình thức, trọng sĩ diện như một cơn dịch bệnh bủa vây con người thời đại. Trong một kỳ tĩnh tâm trước ngày chính thức khai mạc Thượng Hội đồng, 9.10.2021, ĐGH Phanxicô đã chia sẻ về 3 nguy cơ có thể làm vuột mất điều căn cốt – ân huệ Chúa Thánh Thần ban cho: trước tiên, nguy cơ chạy theo hình thức, như người ta ngắm mặt tiền nhà thờ tráng lệ mà chẳng hề bước vào trong; nguy cơ thứ 2, chạy theo lý thuyết trừu tượng và xa rời thực tại cuộc sống; và nguy cơ thứ 3, không muốn thay đổi và tự mãn.

Mỗi chúng ta trong cộng đoàn hôm nay cũng có thể là pharisêu ngày nay. Chúng ta cũng đang chạy theo hình thức thái quá, để không còn tha thiết với điều cốt yếu. Khi chạy theo hình thức, chúng ta trở nên tự mãn, cố chấp. Ngại thay đổi bởi chỉ muốn áp đặt người khác dùng giải pháp cũ cho những vấn đề mới.

Xin Chúa Thánh Thần gột rửa và canh tân con người cũ của chúng ta bằng dòng nước mới, có sức thấm tận cốt tuỷ tinh thần chúng ta, để sự khô khan cứng cỏi và chóng qua nơi con người cũ được mặc cho điều cốt yếu, là trở nên con người mới trong Đức Kitô.

[/loichua]

Comments are closed.