[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 13, 18-21″]
18 Vậy Người nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? 19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”. 20 Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? 21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỨC MẠNH NƯỚC THIÊN CHÚA
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” (Lc 13, 19)
Nước Thiên Chúa là một thực tại cao siêu mà lý trí con người không thể tự mình biết được. Chính nhờ Con Một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đã xuống với con người để nói cho con người về Nước Thiên Chúa, và về niềm hy vọng Người mang lại cho nhân loại. Quả thế, Chúa Giêsu là một nhà giáo dục tài giỏi, Ngài đã dùng những gì là tầm thường để nói về cái phi thường, nhờ đó tâm trí con người hiểu được phần nào về những chân lý cao siêu của Nước Thiên Chúa. Ngài đã sử dụng những hình ảnh rất gần gũi thân quen với con người để nói về Nước Thiên Chúa,
Trong Bài Tin Mừng, hai hình ảnh được sử dụng là hạt cải và nắm men, là những hình ảnh hết sức quen thuộc với đời sống con người, Chúa Giêsu đã sử dụng chúng để nói về sức mạnh nội tại của Nước Thiên Chúa, một sức mạnh chỉ có thể nhìn thấy được nhờ đức tin mà thôi. Hạt cải tuy bé nhỏ nhưng lại chất chứa một sức sống mãnh liệt và phát triển không ngừng đủ để chim trời làm tổ và trú ngụ an toàn. Nước Thiên Chúa dù được bắt đầu một cách hết sức khiêm tốn, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn. Nắm men tuy ít nhưng cũng đủ làm cả khối bột dậy men, được biến đổi để trở nên tấm bánh ngon. Tin Mừng Nước Thiên Chúa cũng ăn sâu và biến đổi con người nên thụ tạo mới.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu chắc hẳn không nhằm đến diễn tiến đang xảy ra của Nước Thiên Chúa như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào cuối cùng của lịch sử. Mặc cho những thử thách, những ngăn trở, Nước Thiên Chúa vẫn phát triển và đi tới hoàn tất. Do đó, qua hai dụ ngôn “hạt cải” và “nắm men” Chúa Giêsu mời gọi mỗi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, vì Ngài luôn quan phòng và đang hoạt động âm thầm trong Hội Thánh, cũng như trong mỗi người chúng ta. Nhờ đó, chúng ta an tâm, kiên trì và bền đỗ trong đời sống đức tin và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, dù khi phải đối mặt với những khó khăn hiểm nguy của cuộc sống. Như thấy trong nạn dịch bệnh Covid 19 này, khi con người bị lung lay về niềm hy vọng của mình, thì chỉ Chúa Giêsu mới là niềm hy vọng duy nhất cho nhân loại, Tin Mừng của Người là sức mạnh giúp con người có thể vác lấy thập giá cuộc đời này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã suy niệm: “Chúng ta có một cái neo; trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: trong thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: trong thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ấp ủ vì không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình thương cứu độ của Chúa.”
Xin cho mỗi người chúng ta luôn đặt niềm tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, dù giữa những gian nguy thử thách, để chúng ta luôn có thể can đảm đối diện và lướt thắng không sợ hãi vì “Sức mạnh của Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn nơi sự yếu đuối của con người” ( 2Cr 12,9).
[/loichua]