Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên – Lễ Thánh Matthêu, tông đồ, Lễ kính – Ngày 21/09/2021

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.

 


Suy niệm

CUỘC GẶP GỠ ÂN PHÚC

“Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi tại trạm” (Mt 9, 9).

Phụng vụ Giáo hội hôm nay cử hành lễ kính thánh Matthêu Tông đồ, tác giả sách Tin Mừng đầu tiên. Thánh nhân đã nhận ơn lắng nghe, đáp trả lời mời gọi và đứng dậy đi theo Chúa Giêsu. Nét đẹp trang Tin Mừng được chính thánh Matthêu ghi lại là cuộc gặp gỡ ân phúc với Chúa Giêsu tại 2 chiếc bàn.

Tại bàn thu thuế, nơi Matthêu hành nghề để mưu sinh, nuôi sống gia đình, gây dựng sự nghiệp, củng cố địa vị xã hội và tạo các mối quan hệ. Chúa Giêsu đã đến tận bàn gặp ông và mời ông rời bỏ chỗ được xem là an tâm lập nghiệp nhưng đang buộc chặt ông vào giá trị trần thế và danh vọng hão huyền. Lời mời gọi không màu mè, không cầu kỳ và cũng chẳng giải thích, “Anh hãy theo tôi” (Mt 9, 9). Rời bỏ chiếc bàn này quả là không dễ vì Matthêu sẽ phải đánh đổi cuộc đời, thay con đường sống cho gia đình, và tiêu tan địa vị. Chúng ta không biết Matthêu giằng co thế nào nhưng chắc chắn động lực theo Chúa rất mạnh mẽ trong lòng ông. Động lực này được tạo bởi một hấp lực từ Chúa Giêsu thúc đẩy ông đứng dậy và bước đi.

Tại bàn ăn gia đình: theo bản văn Tin Mừng, Matthêu đã mời nhiều khách: lãnh đạo có, thường dân cũng có; địa vị cao có, địa vị gần đáy xã hội cũng nhiều; người được gọi tên là thánh thiện cũng đến và người được đặt tên là “phường tội lỗi” cùng đồng bàn. Tại đây, tất cả họ cùng chung bàn tiệc với vị thượng khách là Chúa Giêsu. Chúng ta để ý tới cái nhìn-‘ánh mắt’. Matthêu và những người thu thuế nhìn với ánh mắt rụt rè nhưng đong đầy cảm xúc hạnh phúc vì nhận ánh mắt cảm thông và đón nhận của Chúa Giêsu. Còn những người Pharisêu thì nhìn với ánh mắt soi mói và kết án thái độ của Chúa Giêsu.

Cuộc gặp gỡ tại bàn ăn với Chúa Giêsu đã biến đổi trọn vẹn tâm hồn của Matthêu và nhiều người khác bị kết án là tội lỗi nhờ vào lời khẳng định của Chúa Giêsu, “Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải của lễ. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi”(Mt 9, 13). Qua lời này, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng yêu thương tha nhân thì quan trọng hơn cả những lễ nghi thờ phượng mà không có lòng mến Chúa yêu người.

Lạy Đức Kitô phục sinh, Đấng Cứu Độ đời con,

Hôm nay, Chúa cũng vẫn đang đến bên cuộc đời con. Đang khi con tất bật bên bàn làm việc, đang chú tâm tại bàn học, đang đọc tin tức trên bàn vi tính… Chúa bước tới và khẽ gọi con theo Chúa. Chúa muốn con sống cảm nghiệm đời người môn đệ được yêu .

Đang khi con bận rộn lo các bữa ăn cho gia đình, cho các cộng đoàn hay các bệnh viện, khu cách ly và phong tỏa, Chúa vẫn đứng chờ để được mời vào đồng bàn như một thành viên trong bữa ăn đó, “Ta đứng trước cửa mà gõ; ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20).

Xin cho con nhìn thấy, nghe thấy và được diễm phúc gặp Chúa như Matthêu tại bàn làm việc cũng như tại bàn ăn gia đình. Xin Chúa biến đổi tâm hồn con thuộc trọn về Chúa. Amen.


Comments are closed.