Thứ Ba Tuần XXIX Thường Niên – Ngày 18/10/2022

Lời Chúa: Lc 10,1-9

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người.” Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. “Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.

 


Suy niệm

VÂNG NGHE THÁNH Ý THIÊN CHÚA

“…. vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người” (Lc 10,2).

Tiền nhân vẫn thường nói: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, qua đó, tiền nhân nhắc nhở con cháu về bài học quý giá trong cuộc sống: dù cho con người có giỏi đến đâu, tính toán mọi đàng nhưng thành công vẫn nằm ở nơi một Đấng Tối Cao. Niềm tin này được người Kitô hữu tuyên xưng mạnh mẽ vì Đức Tin mặc khải cho biết mọi sự đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa quan phòng, hãy vâng nghe Lời Người.

Vâng nghe thánh ý Thiên Chúa cũng là bài học mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay: “…vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người” (Lc 10,2). Động từ “xin” cho thấy sự tôn trọng và vâng phục của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa. Ngài không tự ý làm điều gì ngoài thánh ý Chúa Cha vì Ngài từng nói: “lương thực của Thầy là làm theo thánh ý Cha thầy” (Ga 4, 34). Các hoạt động công khai của Chúa Giêsu đã minh chứng cho những gì Ngài nói. Trước khi làm bất cứ công việc gì, Chúa Giêsu đều cầu nguyện thật lâu để lắng nghe thánh ý Thiên Chúa. Ngài đã vâng nghe đến nỗi “trút bỏ hoàn toàn vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, …. bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (x. Pl 2,6-8). Sự vâng nghe thánh ý của Chúa Giêsu đã mở ra con đường cứu rỗi cho nhân loại như thánh Phaolô đã viết: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).

Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu mà vâng nghe theo thánh ý Thiên Chúa. Đây không phải là sự “chờ thời” nhưng đó là sự nỗ lực không ngừng tìm kiếm thánh ý Chúa của những tâm hồn khiêm hạ. Tuy nhiên, làm sao để nhận ra ý Thiên Chúa trong cuộc sống vội vã và ngập tràn công việc ngày nay? Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra một trong những cách để phân định được ý Chúa chính là sự thinh lặng của cầu nguyện. Sự thinh lặng này không làm cho chúng ta đóng lại nơi chính mình nhưng nó phải phát xuất từ thái độ sẵn sàng lắng nghe: nghe Chúa, nghe người khác và nghe chính thực tại. Chắc hẳn thánh ý Chúa sẽ có những lúc hoàn toàn trái ngược với suy tính của con người nhưng chúng ta hãy tin tưởng Thiên Chúa. Thánh ý Thiên Chúa sẽ vượt qua tất cả như thầy của Phaolô, ông Gamalien, từng nói trước thượng hội đồng Do Thái: “nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa” (Cv 5,38-39).

Thánh sử Luca đã để lại cho Giáo Hội kho tàng cao quý là Tin Mừng thứ 3 và sách Công vụ Tông đồ, chứng tỏ thánh nhân đã không ngừng truy tìm và thi hành đúng thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết noi gương thánh nhân, luôn biết nhận ra và thi hành thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời. Amen.


Comments are closed.