[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 4, 31-37″]
Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.
Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐIỀU CHÚNG TA TIN
Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! (Lc 4, 34b).
Trong thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi cho ông Timôthê, thánh nhân cho chúng ta biết về Đấng mà ngài đã tin tưởng, gắn bó và xác tín để đón nhận tất cả những đau khổ trong niềm
hân hoan và không hề hổ thẹn về niềm tin của mình (2Tm 1, 1-12). Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng đặt ra cho mỗi người chúng ta về điều chúng ta đang tin và đức tin của ta vào Đấng chúng ta đang bước theo như thế nào?
Câu chuyện Tin Mừng được nối tiếp bài Tin Mừng hôm qua, sau khi Chúa Giêsu có một bài giảng dường như thất bại tại quê nhà – “Ngài bị đám đông đưa ra khỏi thành và kéo lên núi để xô xuống vực” (Lc 4, 29). Hôm nay, Chúa Giêsu đến giảng tại thành Caphácnaum thuộc miền Galilê. Tại đây, vào ngày Sabát, Chúa Giêsu giảng dạy mọi người và hết thảy đều sửng sốt vì cách Người dạy dỗ họ và vì nơi “lời giảng của Người có uy quyền” (Lc 4, 31-32). Lời uy quyền của Chúa Giêsu được thánh Luca trình bày cho chúng ta biết qua cách Người trừ quỷ. Chỉ một lời nói của Người,
quỷ liền xuất ra và không làm hại gì người nó ám. Điều đó lại càng làm cho những người đã chứng kiến và nghe kể càng sửng sốt hơn.
Ngày nay, chúng ta không được thấy Chúa cách hữu hình như các môn đệ thời xưa được cùng sống với Chúa, thấy Chúa làm các phép lạ hay được nghe Chúa giảng. Nhưng nhờ Kinh Thánh, nhờ lời dạy dỗ của Hội Thánh và nhờ những gương đức tin của các bậc cha anh, chúng ta biết được mình đang tin và bước theo Đấng đã yêu thương chúng ta. Chúng ta đang được lãnh nhận lời chúc phúc – “phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Đồng thời, điều chúng ta tin không phải
một lý thuyết hay một câu chuyện xa xưa nhưng là tin vào Đấng mang đến ơn cứu độ và sự giải thoát cho chúng ta. Chính nhờ Ngài, chúng ta toàn thắng được mọi thử thách – “là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo”; “là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào” – vì Ngài yêu mến chúng ta (Rm 8, 35-38).
Khi suy gẫm về điều này, chúng ta được mời gọi để đặt bản thân trước nhan Chúa. Trước hết, điều chúng ta tin và xác tín có phải là sự gắn bó với Đấng yêu mến chúng ta – Ngài là Đức Giêsu Kitô? Đức tin của chúng ta có đang dựa trên nhưng gì Hội Thánh giảng dạy hay chỉ trên một nền tảng khác? Để noi gương thánh Phaolô, chúng ta sẵn sàng nói về đức tin của mình cho khác “tôi biết tôi tin vào ai”. Kế đến, chúng ta được mời gọi sống đức tin của mình để trở nên một chứng tá sống động về Đấng chúng ta tin, về niềm hy vọng chúng ta hướng đến và về Đấng là tình yêu chúng ta gắn bó.
Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con để chúng con mỗi ngày tin và tín thác vào Chúa hơn. Xin hãy dùng chúng con như những khí cụ của tình yêu Chúa mà dẫn đưa nhiều người về với Chúa vì Ngài là cội nguồn và cùng đích cuộc đời chúng con. Amen.
[/loichua]