Thứ Tư tuần XXII Thường Niên – Ngày 6/9/2023

Lời Chúa: Lc 4, 38 – 44

Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa”. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Ðức Kitô.

Ðến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.

 


Suy niệm

SỐNG TÌNH LIÊN ĐỚI

“Và người ta xin Người chữa bà ấy” (Lc 4, 39)

Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo số 149 khẳng định rằng “tự bản chất, con người là một hữu thể xã hội.” Điều đó có nghĩa là con người không sống một mình nhưng quy tụ lại với nhau thành một cộng đồng xã hội. Vì thế, con người không chỉ sống cho mình nhưng còn sống cho nhau và sống vì nhau. Trong thế giới tự nhiên, con ong cho mật, hoa cho hương, chim cho tiếng hót; điều đó tạo nên cuộc sống đầy màu sắc và tràn đầy sức sống. Cũng vậy, con người cần cho nhau tình yêu thương và cao hơn nữa là đức hy sinh, vị tha và đồng cảm vì người khác. Chúa Giêsu cũng từng dạy: “Điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì chính các ngươi hãy làm cho họ trước” (Mt 7, 12). Đó là khuôn vàng thước ngọc của Kitô giáo và là “kim chỉ nam” cho những ai theo Chúa.

Phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện trong đoạn Tin Mừng hôm nay không phải do lời cầu xin của nhạc mẫu ông Phêrô, nhưng bởi lời cầu xin của những người khác: “Và người ta xin Người chữa bà ấy” (Lc 4, 39). Điều đó làm nổi bật lên tầm quan trọng của sự liên đới giữa con người với nhau. Trong Tin Mừng, cũng có nhiều trường hợp tương tự như thế: một người bất toại được bạn bè khiêng lên mái nhà để gặp Chúa (x. Mc 2, 1 – 12), bà mẹ dân ngoại cầu xin cho con của mình (x. Mt 15, 21 – 28), viên sĩ quan cầu xin cho đầy tớ của mình (x. Lc 7, 1 – 10)… đó là những người biết dẫn người khác đến với Chúa và dẫn Chúa đến với họ. Trong những trường hợp đó, chúng ta có thể thấy tình liên đới bao hàm ý tưởng hiệp nhất, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự cảm thấy một thứ trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho người khác.

Ngoài ra, trong một mức độ nào đó, tình liên đới còn giúp chúng ta mở ra với tha nhân. Thay vì khép kín trong chính mình, chỉ lo cho ích lợi của mình để rồi rơi vào cá nhân chủ nghĩa; thì tình liên đới đòi hỏi chúng ta cần mở rộng cánh cửa cho tha nhân. Trong đoạn Tin Mừng, mọi người muốn giữ Đức Giêsu lại cho riêng họ khi nhận được nhiều ơn phúc, nhưng Đức Giêsu chỉ cho họ thấy rằng “Loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” không chỉ dành riêng cho một nhóm nhỏ, nhưng cho tất cả mọi người. Ơn Cứu Độ nhờ Tin mừng không phải chỉ dành riêng cho cá nhân, hay chỉ dành cho nhóm thân hữu của chúng ta, nhưng cho tất cả mọi người. “Vì thế giới càng hợp nhất thì hiển nhiên, những bổn phận của con người càng vượt lên trên những nhóm riêng rẽ và dần dần sẽ lan rộng tới toàn thế giới” (GS 8).

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con hiểu thế nào là liên đới: liên đới trước hết là biết cảm thương như Chúa đã chạnh lòng thương cảm. Liên đới là khi con biết quan tâm và cầu nguyện cho người khác. Con thường dễ sống vô tâm nên vẫn còn nhiều người cơ khổ. Xin cho trái tim con luôn rộng mở, để sống tình Liên Đới Chúa gọi mời. Amen. (trích Lời nguyện từ trái tim của Lm. Thái Nguyên).


Comments are closed.