Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên – Ngày 05/07/2022

Lời Chúa: Mt 9,32-38

Họ vừa đi ra thì người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”

Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

 


Suy niệm

ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38).

Bối cảnh bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu rảo quanh các làng mạc, thành thị, giảng dạy Tin Mừng và chữa lành nhiều bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mt 9,35). Ngài cảm thương cho nỗi vất vả, lầm than của dân chúng (x. Mt 9,36); vậy nên, Ngài ngỏ với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38). Lời ngỏ trên của Chúa Giêsu, vừa là lời mời gọi chúng ta cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo; đồng thời, cũng là lời mời gọi mỗi người can đảm dấn thân cho sứ vụ này. Bởi lẽ, ơn gọi của chúng ta là ơn gọi “ra đi”, đến với muôn dân; ơn gọi bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận: “được rửa tội và được sai đi” (Ad Gentes).

Truyền giáo hiểu đơn giản là kể cho người khác nghe câu chuyện về Chúa Giêsu. Cách thức kể tùy thuộc vào kinh nghiệm gặp gỡ Chúa riêng của mỗi người. Ở đây, xin gợi hai mẫu gương kể chuyện về Chúa Giêsu ngang qua đời sống chứng tá. Lần nọ, khi mẹ Têrêsa đang tắm rửa cho một ông lão ghẻ lở, khó tính. Một mệnh phụ hỏi mẹ “Soeur chăm sóc cho lão khó tính ấy làm gì, lão có cho Soeur đồng nào đâu, mặc xác lão”. Mẹ vẫn vui vẻ làm việc của mình, và ôn tồn đáp lời “thưa chị, giả như gia đình của ông ấy, hay quốc gia này có trả cho tôi 1 tỷ, để yêu cầu tôi làm việc này; tôi sẽ không làm, vì tôi có lòng tự trọng của tôi. Sở dĩ, tôi chăm sóc cho ông ấy là vì, Chúa Giêsu đang hiện diện nơi ông ấy, lúc này, Chúa cần chúng ta chăm sóc cho Chúa”. Đấy là cách mẹ Têrêsa kể về Chúa Giêsu cho người khác.

Khi thánh Gioan Phaolô II ghé thăm nhà của mẹ Têrêsa, ngài đã ân cần trò chuyện và chăm sóc cho từng người ngài có cơ hội gặp gỡ. Trước khi ngài rời đi, một cụ ông theo Ấn Giáo đã thốt lên “tôi không biết ông ấy là ai, nhưng tôi dám chắc ông ấy phải có một nhà lãnh đạo tuyệt vời”. Nhà lãnh đạo tuyệt vời là Chúa Giêsu. Trong suốt cuộc gặp gỡ, ngài đã không nói cho ông ấy nghe về Chúa Giêsu, nhưng qua những gì ngài dành cho ông, ngài tỏ cho ông thấy họa ảnh của Chúa Giêsu.

Phần chúng ta, theo gương các thánh, trong khả năng riêng Chúa ban, ta có thể dùng đời sống mình để kể về Chúa Giêsu cho người khác nghe. Giữa và sau cơn đại dịch, nhiều người chất vấn “Thiên Chúa ở đâu khi con người đói kém, khổ đau, bệnh tật, chết chóc?”. Dù đại dịch đã tạm lắng xuống, nhưng hậu quả nó để lại là đói kém, tang thương, khổ đau… vẫn còn đó. Trước thực tế này, ta kể chuyện về Chúa Giêsu cho họ thế nào? Lắng đọng tâm hồn, ta sẽ nhận ra hình ảnh của Chúa Giêsu đang sống và đồng phận với ta giữa và sau cơn đại dịch. Ngài hiện diện nơi các y bác sĩ liều mình trong nguy hiểm để chăm lo sức khỏe cho từng bệnh nhân; Ngài hiện diện qua các nhà hảo tâm sẵn sàng chia sẻ những gì mình có để giúp đỡ mọi người. Đặc biệt, Ngài hiện diện nơi những người đang gánh chịu đau khổ, bệnh tật, đói kém…

Hôm nay, Chúa vẫn cần nơi chúng ta lòng thương cảm, sự sẻ chia, lời cầu nguyện, hay một nghĩa cử nâng đỡ. Nếu chúng ta có thể làm được gì để giúp đỡ anh chị em của mình, nhất là những người đang gặp khó khăn, thì chúng ta hãy xả thân làm phục vụ. Chính khi làm những điều tốt thiết thực nhất cho người lân cận, là ta đang kể về Chúa Giêsu cho họ. Điều ấy cũng có nghĩa là, ta đang thực thi ơn gọi truyền giáo. Tắt một lời, truyền giáo là ngang qua đời sống chứng tá, ta tỏ cho người khác thấy hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương, và đồng phận với họ, ngay trong chính những khó khăn, khổ đau, lầm than… họ đang gánh chịu.

Lạy Chúa Giêsu, xin đến, ở lại, biến đổi, và hoạt động trong mỗi chúng con, để chúng con biết dùng đời sống mình mà kể chuyện về Chúa cho mọi người xung quanh.


Comments are closed.