Thứ Ba Tuần VI Mùa Thường Niên – Ngày 16-02-2021

Lời Chúa: Mc 8,14-21

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”. Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: “Tại mình không có bánh”. Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: “Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?” Các ông thưa: “Mười hai thúng”. “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?” Họ thưa: “Bảy thúng”. Bấy giờ Người bảo các ông: “Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?”

 


Suy niệm

SỐNG ĐỨC TIN NHƯ CHÚA DẠY

“Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê”. (Mc 8,15)

Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai của Đức Giêsu (x. Mc 8,1-10), những người Pharisêu đến tranh luận với Người và đòi một dấu lạ để thử Người (x. Mc 8,11). Đức Giêsu từ chối yêu cầu này. Sau đó cùng với các môn đệ, Người xuống thuyền đi sang bờ bên kia. Trên thuyền Người răn bảo các môn đệ: “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê” (Mc 8,15).

Để có thể hiểu được sứ điệp của Đức Giêsu, chúng ta phải hiểu “men biệt phái (hay còn gọi là men Pharisêu)” “men Hêrôđê” là gì. Trong Tin mừng của mình, Thánh Luca nói về “men Pharisêu” chính là sự giả hình (x. Lc 12,1). Còn trong trích đoạn song song của Tin mừng hôm nay, Thánh Matthêu nói rõ “men Pharisêu” là giáo lý của họ (x. Mt 16,12). Như vậy, người Pharisêu đã có những sai lạc trong việc tìm kiếm và phụng sự Thiên Chúa. Họ chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài, qua việc tuân giữ kỹ lưỡng các thứ luật lệ mà không có nội dung bên trong. Hơn nữa, họ còn xuyên tạc sự thánh thiện và ơn cứu độ của Thiên Chúa theo lối nghĩ tưởng của mình. Nói về “men Hêrôđê”, đó là tinh thần của những người thân với chính quyền nhà vua. Những người chỉ chú tâm tìm kiếm lợi lộc trần gian mà quên đi đời sống luân thường đạo lý, vì thế họ xem sự xuất hiện của Đức Giêsu là một mối nguy hại lớn. Như vậy một cách chung, những người Pharisêu vì thành kiến, và phái Hêrôđê vì sự thù nghịch mà xem Đức Giêsu là thù địch, là mối nguy hại đến quyền lợi và địa vị của mình.

Trở lại với bản văn Tin mừng, Thánh Marcô miêu tả việc các môn đệ hiểu sai sứ điệp của Đức Giêsu. Cụ thể, các ông tưởng Thầy trách vì mình quên mang theo bánh (x. Mc 8,16). Việc các môn đệ không hiểu hay hiểu sai ý của Đức Giêsu là điều không lạ lẫm trong các sách Tin mừng. Nhưng trong bối cảnh của Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Thánh Marcô có một chủ ý rõ ràng. Giống như mọi người thuộc giới bình dân, các môn đệ dễ bị choáng ngợp trước vẻ uy nghi của người Pharisêu, cũng như dễ bị quyến rũ trước sức hấp dẫn về quyền lợi và danh vọng của phái Hêrôđê. Từ đó dẫn đến việc các ông dễ hiểu sai về cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu, cũng như ý nghĩa của những phép lạ Thầy làm. Đó là lý do Đức Giêsu đã cảnh giác các môn đệ về “men Pharisêu” “men Hêrôđê”.

Sứ điệp mà Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ trong Tin mừng, cũng là sứ điệp cho chúng ta hôm nay. Cụ thể, sứ điệp này là một lời mời gọi chúng ta nhìn lại và canh tân đời sống đức tin của mình. Có thể chúng ta đang bị nhiễm thứ “men Pharisêu”, khi chỉ sống đức tin với hình thức bên ngoài, mà thiếu đi nội dung và chiều sâu bên trong. Cũng có thể chúng ta đang lây nhiễm thứ “men Hêrôđê”, khi chạy đến với Chúa, với Đức Mẹ và các Thánh chỉ vì những lợi ích cá nhân. Hay khi đến với Chúa, chúng ta chỉ muốn được ơn lành này hay phép lạ nọ, mà quên đi điều quan trọng là ơn đức tin, và sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời và xung quanh chúng ta. Điều quan trọng chúng ta cần nhớ là: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Xin cho chúng ta luôn biết ý thức sống đức tin cách đẹp lòng Chúa, như mẫu gương và lời dạy bảo của ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận: “Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết và hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái và trung thành” (ĐHV, 280).


Comments are closed.