[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 10,21-24″]
Khi ấy, Chúa Giê-su đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói : “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết”.
Rồi Chúa Giê-su quay lại phía các môn đệ và phán : “Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy ; vì chưng Ta bảo các con : có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỐNG ĐƠN SƠ VÀ KHIÊM HẠ
“Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ” (Lc 10,21)
Cụ Nguyễn Công Trứ trong bài thơ Đi thi tự vịnh viết: “Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông.” Hai câu thơ phản ánh một nỗi khát khao chung của loài người: muốn mình là người đặc biệt, trổi vượt hơn người khác, được mọi người biết đến đến và nhớ đến. Xã hội hôm nay vẫn dạy chúng ta như thế. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời chúng ta đi một con đường khác: con đường trở nên bé nhỏ, đơn sơ và khiêm hạ.
Tại sao không là khôn ngoan, thông thái, mà lại là đơn sơ, bé nhỏ? Thánh Phaolô giải thích: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh […] hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1Cr 1,27-29). Nhưng tại sao Thiên Chúa không muốn, thậm chí chống lại kẻ kiêu căng (x. 1Pr 5,5)? Vì kẻ kiêu căng “gạt bỏ mọi lệ thuộc, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa”, tự cho mình có khả năng cứu độ chính mình. “Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình” (Tv 49,8). Thiên Chúa không muốn ai kiêu căng vì đó là đường cụt dẫn họ đến hố diệt vong và bất hạnh đời đời. Câu chuyện sa ngã của ông bà nguyên tổ là một ví dụ.
Vậy khôn ngoan có gần với kiêu căng không? Có khi nào càng khôn ngoan, người ta càng dễ kiêu căng hơn? Thưa không, vì sự khôn ngoan đích thực phát xuất từ Đức Chúa (x. Hc 1,1), nên người khôn ngoan thật sự thì không kiêu căng. Thêm nữa, khôn ngoan không đơn giản chỉ là học cao hiểu rộng, tài năng giỏi giang, văn hay chữ tốt. Đúng hơn, người khôn là người biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, Lời được gồm tóm lại trong hai điều là mến Chúa và yêu người. Vậy nên khôn ngoan đích thực luôn dẫn ta đến gần Thiên Chúa và gần mọi người. Ngược lại, sự xa cách Thiên Chúa, hay sự xa rời anh chị em là dấu chỉ cho thấy cái khôn ta đang có không phải là của Chúa (x. Hc 10,12).
Mỗi chúng ta, ít là một lần trong đời, đều đã cảm thấy sự giằng co nội tâm giữa một bên là trở thành kẻ lớn lao trong mắt người đời, và một bên là trở nên bé nhỏ trong mắt Chúa. Đây là một trận chiến cam go, sẽ còn và sẽ mãi gắn liền với phận người. Một cách khách quan, ai trong chúng ta cũng cảm thấy yêu mến và quý trọng những người sống đơn sơ, khiêm tốn. Chúng ta cũng muốn sống như thế, nhưng thực tế lại không dễ dàng. Mùa Vọng mời gọi chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng là sự khôn ngoan của chúng ta (x. 1Cr 1,29), Đấng vốn quyền quý, cao sang vô cùng nhưng đã tự nguyện trở nên nhỏ bé, khiêm hạ vô cùng để nói với chúng ta rằng: sống đơn sơ, khiêm hạ là đường đưa tới hạnh phúc Nước Trời.
Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận viết: “Người sống trước mặt Chúa không thể kiêu ngạo được. – Ngạo về điều gì? – Tất cả đều là của Chúa!” Ước gì mỗi chúng ta cảm nhận được cái nhìn của Chúa, để quyết tâm trở nên bé nhỏ, khiêm hạ trong mắt Người.
[/loichua]