Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: “Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu”. Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ. Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.
“Bấy giờ người môn đệ đến trước cũng vào, ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8)
Tin Mừng Gioan 20, 2-8 thuật lại sự kiện ngôi mộ trống. Qua trình thuật này, ta thấy có ba nhân vật và mỗi nhân vật có sự tin nhận khác nhau trước ngôi mộ trống. Sự tin nhận tiệm tiến qua từng nhân vật và đạt đến đỉnh cao khi người môn đệ Chúa yêu nhận ra Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Maria Mácđala là người đầu tiên chứng kiến tảng đá lăn ra khỏi mộ, bà nghĩ ai đó đã trộm xác Chúa chưa biết Chúa đã phục sinh. Đối với Phêrô, khi bước vào mộ ắt hẳn ngài đã nhận ra không phải ai đó đã lấy lấy xác Thầy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Phêrô đã tin Đức Giêsu đã phục sinh. Người môn đệ được Chúa thương mến cũng vào mộ, ngài đã thấy những điều như Phêrô đã thấy và nhất là ngài đã tin. Những gì ngài đã thấy và tin đã vượt lên trên sự nhận thức của giác quan. Tin Mừng không nói Người môn đệ này tin gì nhưng ta có thể hiểu ông tin Đức Giêsu đã sống lại, tin Người là Đấng ban sự sống đời đời, là Thiên Chúa và là Cứu Chúa. Tất cả những điều này trở nên cách chắc chắn hơn khi các môn đệ được gặp Chúa Phục Sinh. Điều gì đã giúp người môn đệ Chúa yêu có thể tin khi chứng kiến ngôi mộ trống ? Thưa có lẽ nhờ tình yêu. Chúa yêu thương ông và ông yêu mến Người. Từ tình yêu mến, người môn đệ Chúa yêu được ở gần Chúa, được tựa vào lòng Chúa để nghe sự thổn thức của Người trong bữa tiệc ly. Người môn đệ Chúa yêu đã ở lại với Thầy lúc Người đau khổ nhất trên thập giá.
Chúng ta biết rằng ngôi mộ trống thì chưa đủ bằng chứng nói lên Đức Giêsu đã phục sinh. Tuy nhiên, đó là một dấu chỉ quan trọng để cùng với sự kiện được gặp Chúa Giêsu Phục sinh sau đó, các môn đệ xác tín và mạnh dạn rao giảng về Đấng Phục Sinh. Suốt hơn hai ngàn năm qua, Giáo hội đã tiếp nối lời rao giảng về Đấng Phục sinh cho toàn nhân loại được biết, để họ tin nhận và hưởng ơn cứu độ. Tin nhận Chúa Giêsu phục sinh giúp người tín hữu hy vọng mai sau cũng được sống lại với Người. Nhờ tình yêu, sự tương giao mật thiết với Chúa Giêsu và cùng với ân sủng Chúa ban mà người môn đệ Chúa yêu đã có trực giác nhạy bén về đức tin. Ngài đã thấy và tin trước những điều vượt xa những gì mà con mắt thể lý quan sát được. Trong cuộc sống hôm nay, Đấng Phục Sinh vẫn luôn hiện diện nơi Giáo hội, qua những biến cố hằng ngày, qua cuộc sống của người tín hữu. Trong hành trình đức tin, chúng ta chỉ có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa qua mọi biến cố trong cuộc đời mình, nếu chúng ta noi biết gương Gioan để cho lòng trí mình luôn tiến triển trên con đường tình yêu và sự gắn kết thân thiết với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con biết noi gương người môn đệ Chúa yêu, nhạy cảm nhận ra Chúa vẫn luôn hiện diện và yêu mến chúng con trong mọi giây phút của cuộc đời. Xin cho chúng con hết lòng yêu mến và gắn kết với Chúa để ngày sau cũng được phục sinh với Người.
[/loichua]