Thứ Ba sau Chúa Nhật 4 Mùa Vọng – Ngày 20/12/2016

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.


Suy niệm

“Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (Lc 1,38).

Cách đây hơn 2000 năm, một cuộc truyền tin đã làm thay đổi lịch sử nhân loại. Tại một làng quê nghèo miền Ga-li-lê, sứ thần Gáp-ri-en truyền tin cho một trinh nữ: “Này đây Bà sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giê-su, Người sẽ nên cao cả và sẽ được goi là Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người” (Lc1,31-32). Nghe lời truyền ấy, Đức Mẹ đã khiêm nhường đón nhận: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (Lc 1,38). Trong sự tự do của một người nữ khiết trinh, Đức Mẹ đã can đảm đón nhận thánh ý Chúa cách không mảy may tính toán. Xin vâng, Mẹ đã xin vâng thánh ý Chúa cách triệt để như cuộc sống của Mẹ từ lúc truyền tin cho đến lúc đau đớn nhìn Con Yêu chết trên thập giá. Xin vâng, Mẹ đã xin vâng để Ngôi Hai Con Thiên Chúa xuống thế làm người, cứu độ nhân loại lầm than. Xin vâng, Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình vì tội của nhân loại. Nhờ lời xin vâng của Mẹ mà công trình cứu độ của Thiên Chúa được trọn hảo.

Trong cuộc sống hưởng thụ và vị kỷ ngày nay, con người rất khó khăn để noi theo gương “xin vâng” của Mẹ. Bởi vì xin vâng ý Chúa là từ bỏ cái tôi ích kỷ, là biết khiêm nhường đón nhận chương trình của Chúa và biết chia sẻ và tha thứ cho nhau. Con người chúng ta vẫn đang chạy theo ý mình hơn ý Chúa, vì ý mình thì dễ dãi, ý mình thì thoải mái, không có thập giá, thử thách, khổ đau. Vì mải chạy theo ý mình, con người chúng ta đang đi lạc ra khỏi đường lối của Thiên Chúa là đường dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc muôn đời. Là Ki-tô hữu, đồng thời cũng là những người con cái Chúa, chúng ta hãy khiêm nhường, phó thác như Mẹ Ma-ri-a, hãy noi gương Mẹ nói lời xin vâng trước thánh ý Chúa, hãy mang lấy trong mình tiếng xin vâng, xin vâng để đón nhận thánh ý Chúa, xin vâng để nên hoàn thiện và xin vâng để được hạnh phúc đời đời.
Từ đó, Lời Chúa dạy chúng ta ba bài học. Trước hết, mỗi người Kitô hữu là dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống đức tin trung thành của mình với Chúa. Thứ đến, mỗi người Kitô hữu là dấu chỉ về tình yêu Chúa qua cách sống bác ái vô vị lợi của mình với tha nhân. Cuối cùng, mỗi người Kitô hữu sẽ là dấu chỉ lòng thương xót Chúa khi biết quảng đại tha thứ cho anh chị em mình.

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con một người Mẹ tuyệt vời là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin cho chúng con luôn biết đón nhận thánh ý Chúa, biết noi gương Mẹ để thưa tiếng xin vâng: “ Vâng, chúng con là con cái Chúa, xin Chúa cứ thực hiện nơi chúng con điều đẹp lòng Chúa”. Amen.


Comments are closed.