Thứ 7 Tuần III Mùa Chay – Ngày 30/03/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 18, 9 – 14 “]

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

KHIÊM TỐN KHẨN XIN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”(Lc 18, 13).

Do ảnh hưởng bởi nguyên tội, bản tính của con người đã bị hư hoại, nên tự sức mình con người không thể lấy công chuộc tội, nhưng cần phải khiêm tốn khẩn xin Lòng Thương Xót của Thiên Chúa; nhờ đó Người sẽ tha thứ tội lỗi và làm cho họ nên công chính.

Qua dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy người biệt phái đã làm được thật nhiều điều tốt đẹp. Ông đứng thẳng và tự hào khoe với Chúa rằng: “Tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi” (Lc 8, 11 – 12). Trái lại, người thu thuế không kể ra được một công trạng nào cả. Ông đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà khẩn xin “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”(Lc 18, 13). Như chúng ta biết, kết quả thật bất ngờ, người thu thuế thì được khỏi tội, được nên công chính, còn người biệt phái thì không. Lý do là vì lời nài xin sự thương xót được nhận lời. Lòng Thương Xót của Chúa đã lấp đầy hố sâu ngăn cách giữa kẻ có tội với Chúa, nên người thu thuế được Chúa cất nhắc lên, được chạm tới Chúa và do đó được ơn tha tội; còn người biệt phái thì đứng trên “ngọn núi” thành quả của mình mà vươn lên, nhưng mãi mãi không tới, vì khoảng cách giữa công trạng của con người lên tới Chúa thì quá cao vời. Như vậy, tuy công trạng của con người lập được là đáng trân quý, nhưng nếu thiếu Lòng Thương Xót của Chúa thì những công trạng ấy vẫn không đủ để con người được ơn tha tội. Do đó, nếu có Lòng Thương Xót của Chúa thì công trạng của chúng ta tuy “vơi” nhưng lại “đầy”; ngược lại, nếu thiếu Lòng Thương Xót của Ngài, thì dầu công trạng của chúng ta tuy có “đầy” nhưng vẫn còn “vơi”.

Trong cuộc sống hiện nay, hẳn sẽ không có ai ở trong nhà thờ, trước mặt Chúa, đứng thẳng mà cầu nguyện cách cao ngạo như người biệt phái năm xưa nữa. Tuy nhiên, chúng ta không dám chắc rằng ngoài nhà thờ sẽ không gặp thấy hình bóng người biệt phái ấy. Bởi trong cuộc sống này, có không ít người quá chú tâm xây đắp công trạng cuộc đời mình mà bỏ quên đi đời sống cầu nguyện, bỏ quên đi Lòng Thương Xót của Chúa. Họ có nhiều giờ cho công việc tìm kiếm kinh tế nhưng lại thiếu giờ tìm kiếm Lòng Thương Xót của Chúa. Họ có nhiều giờ làm cho tên tuổi mình được in trên các quảng cáo, các bảng thương hiệu, nhưng lại thiếu giờ để làm tên họ được ghi khắc trong Lòng Thương Xót của Chúa. Họ có nhiều giờ để tìm cách dành lấy cảm tình từ người khác, nhưng lại thiếu giờ dành lấy Lòng Thương Xót của Chúa cho cuộc đời mình. Có thể chúng ta sẽ thấy được hình bóng của mình khi đậm khi mờ qua những dạng người trên. Cũng có thể chúng ta sẽ khác hẳn với họ về mặt hình thức nhưng lại khá giống về thái độ bên trong, một thái độ dửng dưng trước Lòng Thương Xót của Chúa. Lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi dành cho mỗi người, không phải lời mời gọi bỏ đi những hoài bão mà chúng ta đang ấp ủ, hoặc những công việc mà chúng ta đang thực hiện, nhưng là lời mời gọi mang tất cả những hoài bão, công việc và cả cuộc đời chúng ta đặt vào trong Lòng Thương Xót của Chúa. Chúng ta hãy đến với Chúa, bằng một thái độ khiêm tốn và chân thành, khẩn xin Chúa cách tha thiết như người thu thuế năm xưa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”(Lc 18, 13).

Lạy Chúa, trước những thành công, xin cho chúng con ý thức rằng đó là do ơn ban của Chúa và mỗi lúc như thế, xin cho chúng con luôn biết khiêm tốn khẩn xin Lòng Thương Xót của Chúa phủ lấp thêm vào kho công phúc ấy cho đầy, vì công trạng của chúng con có nhiều mấy đi chăng nữa thì vẫn không đủ để được ơn tha thứ, mãi vẫn còn vơi. Amen.

[/loichua]

 

Comments are closed.