Chúa Nhật IV Mùa Chay – Ngày 31/03/2019

Lời Chúa: Lc 15,1-3.11-32

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: ‘Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: ‘Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha’. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

‘Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó’. Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'”.

 


Suy niệm

TỘI LỖI VÀ ÂN SỦNG

“Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32).

Dụ ngôn Người cha nhân hậu là dụ ngôn tuyệt vời của Chúa Giêsu. Dụ ngôn thể hiện hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống hằng ngày. Trong đó, cuộc đối thoại giữa người cha và người anh để lại cho chúng ta nhiều bài học thâm thúy về tình yêu và ân sủng Chúa vượt lên trên tội lỗi con người (x. 1Pr 4,8).

Chúng ta cùng quan sát cuộc đối thoại này. Trước sự vui mừng của người cha khi đón tiếp đứa em trở về, người anh đã tỏ ra giận dữ, với cảm xúc không thể kìm nén nổi (x. cc.29-30). Mỗi lần người em nói hay nghĩ về cha, người em luôn tôn trọng gọi người là “cha”, thậm chí ngay lúc anh độc thoại (x. cc.12,18,21). Trong khi đó, người anh khước từ cả mối quan hệ anh em lẫn cha con. Trước hết, anh ta bắt đầu bằng một thái độ cộc cằn: “Này đã bao nhiêu năm trời, tôi làm tôi ông, càng chưa hề lướt lịnh ông; thế mà có bao giờ ông cho tôi được một con dê con để ăn mừng với chúng bạn” (15,29) . Anh ta bắt đầu câu nói với từ “này”, trong khi đó đáng lý phải là “cha”. Sau đó, anh tự ví mình như một người tôi tớ, mà đây lại là vị trí mà người em xin cha khi quyết định trở về. Cuối cùng, anh đề cập đến người em là “thằng con của ông đó”. Anh đòi hỏi sự công bằng khi nói lên phẩm chất đạo đức của mình trước sự phản bội của người em. Anh đã làm việc rất lâu trong gia đình và như một người nô lệ. Anh đã vâng lời và không bao giờ cãi lại .

Đứng trước thái độ đoạn tuyệt của người anh, câu trả lời của người cha đã hàn gắn lại tất cả mối quan hệ gia đình mà anh vừa phá vỡ. Dù anh không gọi ông là cha nhưng ông đã bắt đầu với tiếng xưng hô “con ơi” trong thân mật tâm tình: Này con, con hằng ở luôn với cha, thì tất cả của cải cha đều là của con (31). Người em đã nhận phần tài sản thừa kế của mình thì theo luật những gì còn lại sẽ thuộc về người anh. Người cha còn nhắc cho anh về mối quan hệ với người em: “em con đó” để đối lại với “con của ông”. Như vậy, cuộc hoán cải của người con hoang đàng có nghĩa là học để gọi lại tiếng “cha ơi” thì cũng có nghĩa rằng người anh cũng học để gọi lại tiếng “em ơi”.

Câu chuyện về người anh khiến cho chúng ta suy nghĩ. Người anh đại diện cho chúng ta khi chúng ta nghĩ rằng mình có thể nên tốt lành nhờ chính sức lực của mình. Hình ảnh về người anh và người em phản ánh sự đối kháng của những ai muốn sống theo lẽ công bằng và phẩm chất đạo đức với những ai cần đến ân sủng và lòng thương xót. Dụ ngôn cho thấy những ai sống dựa trên phẩm chất đạo đức của mình sẽ không cảm nghiệm được niềm vui đón nhận ân sủng Chúa. Sự thật là chúng ta không thể nhận được ân sủng Chúa nếu chúng ta yêu cầu Người đối xử với chúng ta theo những gì mà chúng ta đáng nhận . Tham dự vào ân sủng Chúa đòi buộc chúng ta hãy vui mừng khi người khác cũng là đối tượng của ân sủng Chúa. Trước nhan Chúa, mỗi người đều có giá trị và không ai bị loại trừ ra khỏi tình yêu và ân sủng của Người. Do đó, chúng ta không nên ngần ngại tha thứ cho người khác vì chính Chúa đã tha thứ cho họ. Chúng ta không thể là một người con khi đã không là một người anh em với nhau.

Dụ ngôn để lại cho chúng ta câu hỏi liệu người anh có đi vào tham dự bữa tiệc mừng hay không? Liệu anh ta có đi vào và chào đón người em trở về hay anh cứ đứng bên ngoài trong cay đắng? Câu chuyện dụ ngôn kết thúc ở đó vì câu trả lời còn phụ thuộc vào quyết định của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta bước vào dự tiệc, chúng ta chấp nhận ân sủng và lòng thương xót như là quy tắc sống trong gia đình của người cha, người Cha trên trời.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con nhận ra tình yêu và lòng thương xót Chúa đang phủ lấp trên cuộc đời chúng con, để từ đó, chúng con cũng thực thi lòng thương xót Chúa với anh chị em xung quanh. Amen.


Comments are closed.