Thứ 7 Tuần Bát Nhật Phục Sinh – 27/04/2019

Lời Chúa: Mc 16,9–15

Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”.

 


Suy niệm

TRUYỀN GIÁO – MỘT SỨ MẠNG KHÔNG GIỚI HẠN

“Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài” (Mc 16,15).

Trải qua gần 2000 năm hiện diện trong lịch sử, Giáo Hội, với bản chất là truyền giáo, không ngừng tiếp nối sứ mạng loan truyền Tin Mừng của Đức Kitô giữa lòng nhân loại. Xuất phát từ sứ điệp Lời Chúa hôm nay, cụ thể là từ lệnh truyền quan trọng của Chúa Phục Sinh: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài” (Mc 16, 15), mà Giáo hội ý thức đây là một sứ mạng không giới hạn và liên hệ đến sự sống còn của mình.

Trước hết, mệnh lệnh “hãy đi” đòi hỏi các Tông đồ phải làm một cuộc xuất hành, nghĩa là không chỉ ra khỏi thế giới tinh thần của mình, mà còn rời khỏi môi trường xã hội, để đi “khắp thế gian”. Thay vì ở lì một chỗ để an hưởng một cuộc sống nhàn hạ, Chúa Giêsu muốn các ông phải chèo con thuyền Giáo hội “ra chỗ nước nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Đó cũng là thao thức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thời đại hôm nay, khi ngài tha thiết mời gọi Giáo hội đi đến những vùng ngoại biên hẻo lánh, “nơi mà nhân loại, đang cần Đức Kitô, vẫn đang thờ ơ với niềm tin hay những biểu hiện lòng hận thù đối với sự tròn đầy của sự sống trong Thiên Chúa” (Sứ điệp Truyền Giáo 2018).

Thứ đến, vì ơn cứu độ được ban cách nhưng không cho mọi người nhờ công cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô, nên với lòng tin mạnh mẽ, Giáo hội cũng phải phải rao giảng Đức Kitô cho mọi người. Niềm vui Tin Mừng là hồng ân cao quý mà không ai được quyền giữ riêng cho mình, nhưng cần được chia sẻ cho mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ và mọi nền văn hóa thuộc mọi thời đại. Quy mô hoàn vũ của sứ mạng đó nằm trong kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa, Đấng “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4), nên đã chọn một dân để cứu độ muôn dân.

Cuối cùng, việc rao giảng Lời Chúa phải được thực thi trong mọi hoàn cảnh, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2). Điều này được thể hiện nơi dung mạo hai vị tông đồ Phêrô và Gioan mà bài đọc 1 trong sách Công vụ Tông đồ đã thuật lại. Nhờ sức mạnh thiêng liêng từ Đấng Phục Sinh, các ngài đã trở nên những chứng nhân loan báo Tin mừng mạnh mẽ, can đảm, đến nỗi không một ai, không một thế lực nào, không một điều gì có thể cản trở được: “Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe” (Cv 4,20).

Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay gợi lên tính phổ quát của việc truyền giáo, một sứ mạng cần được chu toàn trong mọi lúc, khắp mọi nơi và cho mọi người. Ngày nay, sứ mạng đó càng trở nên khẩn thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, khi có nhiều người ngày càng rời xa Giáo Hội, hoặc xưng mình là Kitô hữu mà chưa sống đúng với phẩm giá của mình. Vì thế, trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa, trước khi sống tinh thần truyền giáo, thì bản thân người Kitô hữu cũng cần được tái truyền giáo. Điều này đòi hỏi nơi người tín hữu một cuộc “xuất phát lại từ Đức Kitô”, nghĩa là làm cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta ngập tràn Thần Khí Tình yêu của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Nhờ đó, công cuộc truyền giáo mới hy vọng thu hoạch được nhiều kết quả tốt đẹp như lòng Chúa mong ước.

Lạy Chúa, sau khi sống lại, Chúa đã nhiều lần hiện ra để củng cố đức tin và huấn luyện các Tông đồ trở thành những nhà truyền giáo nhiệt thành. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết siêng năng gặp gỡ Chúa mỗi ngày, để được ban thêm đức tin và biến đổi đời mình cho phù hợp với thánh ý Ngài. Nhờ đó, chúng con cũng biết thao thức dấn thân cho sứ mạng đưa Thiên Chúa đến với con người và đưa con người trở về với Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô Tông đồ đã xác tín: “Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Amen.


Comments are closed.