[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 13,1-9″]
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Người còn nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
KỲ HẠN CUỐI CÙNG
“Nhưng anh ta đáp rằng: ‘Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi’ ” (Lc 13,9).
Chắc không phải vô tình mà mệnh lệnh “ăn năn đền tội”, một trong ba mệnh lệnh Fatima, được ưu tiên đặt lên hàng đầu, nhưng hữu ý nhấn mạnh việc sám hối vừa cần thiết cho phần rỗi con người, vừa cấp thiết đối với sự tồn vong của cả nhân loại. Bài Tin Mừng hôm nay, qua hai câu chuyện những người bị tổng trấn Philatô giết và bị tháp Silôê đè chết, cùng với dụ ngôn cây vả, cũng đề cao tầm quan trọng của việc sám hối, hàm chứa trong một kỳ hạn cuối cùng.
Trước hết, kỳ hạn cuối cùng là thời điểm để Thiên Chúa biểu tỏ Lòng Thương Xót. Xét về hiệu quả kinh tế, cây vả không sinh trái thì đương nhiên phải bị chặt đi, vừa tiết kiệm đất vừa đỡ mất công chăm. Nhưng ngạc nhiên thay, trong dụ ngôn trên, từ người chủ vườn cho đến người làm vườn, lại không theo lẽ tự nhiên ấy mà sẵn sàng chịu thiệt, không tiếc thời gian để tiếp tục đầu tư cho cây vả “vô dụng” này! Sự kiên nhẫn của người chủ vườn đã phần nào phác họa nên dung mạo của Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, Đấng từng mong mỏi đợi chờ hoa trái của dân riêng Ngài là Israel: “Đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có” (Lc 13,7). Vốn là dân ưu tuyển, nhưng “cây vả” Israel đã không sinh hoa kết trái như mong đợi (x. Kbc 3,17; Kg 2,19), lại còn bao lần phản bội, bất trung. Lẽ ra cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đã giáng xuống trên họ như lời Gioan Tẩy Giả: cái rìu đặt sát gốc cây, cây nào không quả quăng ngay hỏa lò (x. Lc 3, 9). Tuy nhiên, Chúa Giêsu, qua hình ảnh người làm vườn, đã xin thêm cho cây vả một cơ hội cuối cùng, để năm nay chăm sóc bón phân, may ra năm tới có phần trái ngon (x. Lc 13, 9). Đó là sự kiên nhẫn trong hy vọng của một Thiên Chúa là “Đấng từ bi và nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145,8).
Thứ đến, kỳ hạn cuối cùng là thời cơ để con người bày tỏ lòng sám hối ăn năn. Nếu dụ ngôn cây vả là lời cảnh báo về những người không sản sinh hoa trái thiêng liêng trong đời sống, thì hai biến cố những người bị tổng trấn Philatô giết và bị tháp Silôê đè chết là lời cảnh cáo rằng ai cũng có tội, nên phải sám hối, bằng không “sẽ bị hủy diệt như vậy” (Lc 13,3). Điều này chứng tỏ Thiên Chúa vừa kiên nhẫn đợi chờ, vừa kiên quyết đòi hỏi con người phải sám hối ăn năn. Lời kêu gọi sám hối ấy, một đàng, mang tính căn bản, vì gắn liền với sứ điệp đầu tiên của Chúa Giêsu (x. Mc 1,15) và cả sứ vụ cứu thế của Người (x. Lc 5,32); và đàng khác, còn mang tính cấp bách, vì chỉ giới hạn trong một kỳ hạn cuối cùng là “một năm nay nữa” (Lc 13,9).
Việc sám hối không chỉ gói gọn nơi Nghi thức Thống Hối trong thánh lễ hằng ngày, mà còn trải ra nơi mọi bậc sống và hoàn cảnh sống. Nếu mỗi người biết sống tinh thần sám hối canh tân, lánh xa điều dữ, làm thêm điều lành thì hoa trái sẽ trổ sinh. Cụ thể, khi chúng ta biết “sống theo sự thật và trong tình bác ái” như lời dạy của thánh Phaolô trong Bài đọc 1, “cây vả” cuộc đời ta sẽ “lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô” (Ep 4,15). Hơn nữa, tính cấp bách đòi hỏi mỗi người không được trễ nải trong việc sám hối, càng không được ỷ lại hay lạm dụng lòng Thương Xót của Chúa, mà phải biết tận dụng những “ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho” (Ep 4,7) để không ngừng vun xới và chăm sóc cho “cây vả” đời mình. Trong kỳ hạn cuối cùng ấy, có ai biết được mình sẽ sống bao lâu, hoặc mình sẽ chết lúc nào, và bằng cách nào? Vì thế, lời khuyên bổn đạo của một cha xứ nọ là “Hãy sám hối một ngày trước khi chết!” xem ra thật thâm thúy, nghĩa là việc sám hối cần được thực hiện ngay, ở đây và lúc này; bởi ngày nào, giờ nào, phút nào cũng có thể là ngày cuối cùng, giờ cuối cùng, phút cuối cùng ta còn được hiện diện trên cõi đời.
Trong Kinh Vực Sâu có câu: “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được”. Xin Chúa giúp chúng con ý thức được điều đó trong kỳ hạn cuối cùng là giây phút hiện tại này, để chúng con luôn biết cậy trông vào Lòng Thương Xót của Chúa mà mau mắn sám hối đổi mới cuộc đời, vì “đây là lúc thuận tiện, này là ngày cứu độ” (2Cr 6,2b). Amen.
[/loichua]