Thứ 7 Tuần 20 Thường Niên – Ngày 24/08/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 1,45-51″]

Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét”. Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối”. Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi”. Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!”. Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa”. Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CÁI NHÌN CỦA CHÚA GIÊSU

“Ông Na-tha-na-en hỏi Người: ‘Làm sao Ngài lại biết tôi?’ Đức Giê-su trả lời: ‘Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi’” (Ga 1,48).

Hình ảnh của một người ngồi dưới gốc cây vả là hình ảnh của các bậc thầy Do Thái thường ngồi nghiên cứu Thánh Kinh để biết thời khắc mà Đấng Thiên Sai xuất hiện. Điều đó cho thấy rằng ước mơ thầm kín nhất của Nathanael là khao khát sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, Đấng mà lề luật đã nói đến. Khi Chúa Giêsu nói với Nathanel rằng Người đã nhìn thấy ông đang khi ông ngồi dưới cây vả, thì Người ngầm ý muốn nói với ông: ước nguyện thầm lặng của ông đã được Chúa Giêsu thấu tỏ.

Cái nhìn của Chúa đã khuất phục được Nathanael và đã làm cho ông phải tuyên xưng đức tin, để rồi ông trở thành một Tông Đồ của Chúa: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!” (Ga 1,49). Đọc lại Phúc Âm, chúng ta khám phá ra có một cái gì rất đặc biệt trong những cái nhìn của Chúa Giêsu. Ngoài trường hợp của Nathanael, trong ơn gọi của Phêrô: Chúa Giêsu nhìn ông và nói: Anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là đá (x. Ga 1,42). Chúa nhìn từng người, nhưng cũng có lúc Chúa đưa mắt nhìn tất cả mọi môn đệ. Khi Chúa gọi ai, Chúa thường đưa mắt nhìn người ấy.

Ngươi Kitô hữu được Chúa gọi. Tất cả mọi người đều được mời gọi để là môn đệ của Chúa. Chúa đang nhìn và gọi chúng ta bằng ánh mắt van lơn cầu khẩn của người nghèo. Chúa đang nhìn và gọi chúng ta qua ánh mắt đau khổ của người bệnh tật, hay của những người đang đau khổ. Chúa đang nhìn và gọi chúng ta bằng ánh mắt trong sáng thơ ngây của một em bé, hay ánh mắt mờ đục của một người già trên khuôn mặt nhăn nheo vì năm tháng đầy gian khổ. Chúa đang nhìn và gọi chúng ta bằng ánh mắt tinh nghịch, đầy sức sống của những nam thanh nữ tú, hay bằng những cặp mắt nặng trĩu mệt nhọc của những người đang mang gánh nặng của cuộc đời. Mỗi cái nhìn là một lời mời gọi.

Cái nhìn của Chúa Giêsu mang nhiều ngôn ngữ rất phong phú. Đó là: cái nhìn thông cảm và thương xót đối với bà góa thành Naim đang đi chôn đứa con trai duy nhất của mình (x. Lc 7,11-17), cái nhìn đau đớn khi thương xót thành Giêrusalem tội lỗi (x. Lc 19, 41-44), cái nhìn đầy trách móc khi Phêrô chối Thầy (x. Mt 26,69-74), cái nhìn đầy giận dữ khi đền thờ bị lợi dụng làm nơi buôn bán (x. Ga 2,13-25), cái nhìn đầy khoan dung đối với Mađalêna, hay người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,1-11), cái nhìn từ giã đối với Đức Mẹ và Thánh Gioan dưới chân Thánh Giá (x. Ga 19,27) và nhất là cái nhìn của Người khi lên Chúa Cha những lúc cầu nguyện.

Chúa vẫn đang nhìn chúng ta, khi ta sống tử tế hay khi ta sống bê tha Chúa vẫn luôn hiện diện với ta. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta hãy có cái nhìn khoan dung của Người đối với những người chung quanh chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khát khao tìm Chúa, nhận thấy Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời và biết sống quảng đại hy sinh bằng đời sống khiêm tốn như Chúa. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.