Thứ 7 Tuần 2 Thường Niên – Ngày 26/01/2019

Lời Chúa: Lc 10,1-9

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi'”.

 


Suy niệm

THANH THOÁT

“Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.” (Lc 10,4).

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, khi sai các môn đệ lên đường, Chúa Giê-su đã căn dặn: “Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4). Chúa Giê-su muốn nói gì với các môn đệ của Người?

Khi nói đến hai chữ “nhà tu”, hay “tu sĩ”, “đan sĩ”, “ẩn sĩ”,v.v. thì dù ở tôn giáo nào đi chăng nữa, người ta cũng nghĩ ngay đến hình ảnh của một con người đạo hạnh có khuôn mặt thanh thản, đôi mắt nhân hậu, có lối sống khắc khổ nhiệm nhặt, khiết tịnh, ăn uống kiêng khem, không đam mê của cải vật chất,… Và như vậy, từ ngàn xưa, hình ảnh người tu sĩ đã được gắn với hai chữ “thanh thoát”.

Khi Chúa Giê-su chọn gọi các môn đệ, Người cũng yêu cầu rất rõ ràng ngay từ đầu: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình” (Mc 8,34). Tin mừng theo Thánh Matthêu thuật lại: ngày kia, một thanh niên đến gặp Chúa Giê-su với mong muốn tìm sự sống đời đời. Chúa nói: hãy về bán hết tài sản, lấy tiền cho người nghèo, rồi đến theo Chúa. Khi nghe như vậy, người thanh niên đã buồn rầu bỏ đi (x. Mt 19tt). Tin Mừng thánh Luca còn thuật lại rằng, có lần Đức Giê-su nói với một người : “Anh hãy theo tôi !” Người ấy thưa : “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giê-su bảo : “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói : “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giê-su bảo : “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (x. Lc 10, 59tt).

Lời dặn bảo của Chúa Giê-su trong Tin Mừng, cách cụ thể là bài Tin Mừng hôm nay: tất cả những ai muốn là môn đệ của Đức Ki-tô, hãy sống thanh thoát. Tại sao?

Ở đây, người môn đệ cần ý thức: đâu là điều chính, đâu là điều phụ; người môn đệ cần ý thức: mình là ai, ý nghĩa của cuộc đời mình là gì; và người môn đệ cần ý thức: tình yêu của mình phải đặt ở đâu cho đúng. Câu trả lời sẽ luôn là: Điều chính là “sứ điệp Tin Mừng cần được loan báo”; bản chất của môn đệ là “sứ giả của Chúa”, và tình yêu phải đặt ở chỗ “thi hành thánh ý Chúa”, “mong muốn ơn cứu độ cho nhiều người”. Như vậy, nếu bị chi phối bởi của cải vật chất, nếu bị dục vọng và các thứ tham lam điều khiển, người môn đệ sẽ không còn là “sứ giả của Chúa”, sứ điệp Tin Mừng sẽ không còn là trọng tâm, và tình yêu không còn đặt nơi “thi hành thánh ý Chúa”, nhưng là nơi vật chất. Khi ấy, hai chữ “nhà tu” chỉ còn là cái mác che thân, bởi người môn đệ vô tình đã không còn là chính mình nữa. Đời tu sẽ mất đi ý nghĩa, cuộc sống sẽ không hạnh phúc, và ơn cứu độ là một điều xa vời.

Đến đây, ta hiểu rằng: Lời mời gọi thanh thoát của Đức Giê-su dành cho các môn không chỉ là một đòi hỏi, nhưng còn là một lời khuyên của một người Cha đầy yêu thương. Bởi vì: Chúa muốn chúng ta hạnh phúc. Chúa vẫn thì thầm bên tai chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (Lc 12,15); “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,20). Bởi vì Chúa đã sống như thế; lẽ nào ta lại sống khác?

Lạy Chúa, Xin giúp chúng con nhận thức một chân lý quan trọng chi phối cuộc đời chúng con, đó là: điều quan trọng là có Chúa; có Chúa thôi, là đủ rồi! Có Chúa, mọi sự đều có ý nghĩa; không có Chúa, mọi sự đều trở nên vô nghĩa. Amen.


Comments are closed.