[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 2,41–51″]
Hằng năm cha mẹ Chúa Giê-su có thói quen lên Giê-ru-sa-lem để mừng Lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giê-su lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giê-ru-sa-lem, theo tục lệ mừng ngày Lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giê-su đã ở lại Giê-ru-sa-lem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem để tìm Người.
Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng : “Con ơi, sao con làm cho chúng ta như thế. Kìa cha con và mẹ đây đã đau khổ tìm con”. Người thưa với hai ông bà rằng : “Mà tại sao cha mẹ tìm con. Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư”. Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Na-da-rét, và Người vâng phục hai ông bà. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
MẸ MARIA MẪU GƯƠNG CẦU NGUYỆN
“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51).
Sự thinh lặng là một yếu tố tối cần thiết trong cuộc sống của chúng ta. Để có đời sống cầu nguyện và đời sống nội tâm, chúng ta cần có sự thinh lặng. Thinh lặng giúp cho con người có thể khám phá ra chính mình, và có thể gặp gỡ, đối thoại với Thiên Chúa như Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta.
Trong cuộc sống, Mẹ Maria đã trải qua những lúc kinh ngạc, những lúc vui mừng, những lúc cực kỳ lắng lo hay đau khổ, nhưng Mẹ luôn đón nhận trong sự thinh lặng, đắm chìm trọn vẹn trong chiêm niệm, thờ phượng và cầu nguyện. Thật thế, sự thinh lặng nơi Mẹ Maria chính là khoảng thời gian cho Lời Chúa được trổ sinh hoa trái. Từ khi Sứ Thần truyền tin Mẹ đã âm thầm đón nhận thánh ý Thiên Chúa dù không biết trọn vẹn ý Chúa muốn nơi mình, nhưng với tất cả sự phó thác, tin tưởng Mẹ đã thưa “vâng, tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền”. Những biến cố xảy đến suốt hành trình rao giảng của Chúa Giê-su, Mẹ đều cất giữ và suy niệm trong lòng; cho đến giây phút chứng kiến con của mình bị treo trên thập giá, Mẹ cũng chỉ thinh lặng để kết hiệp vào mầu nhiệm cứu chuộc, và với đời sống thinh lặng trong cầu nguyện Mẹ đã nâng đỡ các tông đồ sau khi Chúa Giê-su lên trời. Mẫu gương thinh lặng cầu nguyện của Mẹ Maria cho phép Giáo hội hiểu hơn về giá trị của sự thinh lặng. Sự thinh lặng là khoảng thời gian Mẹ Maria lắng nghe Lời Chúa, là thời khắc để Lời Chúa hướng dẫn và biến đổi, và đó cũng là lúc Mẹ nhận lãnh nguồn ơn sức mạnh để có thể đứng vững trước những biến cố lớn lao xảy đến trong cuộc đời. Như vậy có thể nói thinh lặng là hướng linh đạo cầu nguyện của Mẹ Maria.
Chúng ta luôn có suy nghĩ rằng, cầu nguyện là nói với Chúa đủ điều, là kêu gào thảm thiết trước tôn nhan Chúa, nhưng thực chất cầu nguyện thì đơn giản hơn. Cầu nguyện là một cuộc trò chuyện, một cuộc đàm đạo với Chúa Ba Ngôi: có những lúc chúng ta nói với Chúa, những lúc chúng ta lại im lặng để lắng nghe Người. Như vây, cầu nguyện hệ tại ở việc lắng nghe Chúa, yêu mến và ở lại với Chúa Giê-su trong thinh lặng và cô tịch của nội tâm. Việc đọc Thánh Kinh cách thinh lặng và cần mẫn là một phương thế tốt nhất giúp ta luôn được ở lại trong Lời Chúa, đặt chúng ta đối diện với chính Chúa Ki-tô. Chúa và ta diện đối diện và đón nhận nhau trong thinh lặng nội tâm. Chỉ những ai “phung phí thời gian” cho việc cầu nguyện mới có khả năng đi sâu vào sự hiện diện của Chúa, để Lời Chúa thấm sâu vào mọi suy nghĩ, lời nói và hành động. Nhờ đó chúng ta mới có thể tìm được lẽ sống, niềm vui và hạnh phúc. Để dẫu cho có sống giữa một xã hội đầy những biến động, đầy những đau khổ chúng ta cũng luôn cảm thấy bình an vì luôn có Chúa trong lòng.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con một mẫu gương tuyệt vời trong đời sống cầu nguyện là Mẹ Maria. Xin cho chúng con luôn biết chạy đến cùng Mẹ, để học hỏi nơi Mẹ đời sống gắn kết mật thiết với Chúa qua việc thinh lặng, suy niệm Lời Chúa trong cầu nguyện, để nhờ Lời Chúa soi đường dẫn lối chúng con luôn được bình an trước mọi biến cố của cuộc đời. Amen.
[/loichua]