Thứ 7 Sau Thứ Tư Lễ Tro – Ngày 29/02/2020

Lời Chúa: Lc 5,27-32

Khi ấy, Đức Giêsu trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.

Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. Những người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Đức Giêsu đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”

 


Suy niệm

SÁM HỐI ĐỂ TRỞ VỀ VỚI CHÚA- ĐẤNG GIÀU LÒNG XÓT THƯƠNG

“Đức Giêsu bảo: “Anh hãy theo tôi!” Ông từ bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người… Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,27b-28;32).

Thánh Augustinô có một câu nói rất nổi tiếng: “Thánh nhân nào cũng có một quá khứ và tội nhân nào cũng có một tương lai.” Câu nói trên rất phù hợp với hoàn cảnh của người thu thuế trong bài Tin Mừng hôm nay tên là Lêvi. Nhờ lời mời gọi của Đức Giêsu, ông đã quyết tâm hoán cải đời mình: từ một người thu thuế đầy tội lỗi, ông thành tâm sám hối và bước theo Người trong hành trình rao giảng Nước Trời.

Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu thi hành sứ vụ tại miền Galilê. Trong hành trình rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu chữa lành nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn. Người lên tiếng mời gọi một người thu thuế tên là Lêvi. Lời mời gọi Đức Giêsu rất ngắn gọn, chỉ với bốn từ: “Anh hãy theo tôi” (Lc 5,27b), đã lay chuyển một con người, từ tình trạng tội nhân “đang ngồi ở bàn thu thuế” đến tình trạng hối nhân “từ bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người”. Nhưng trong thực tế, chuyện này không hề dễ dàng, bởi dù nghề này đáng bị xã hội lên án nhưng đó lại là nguồn thu để nuôi sống ông và đem lại cho gia đình ông một cuộc sống đảm bảo; cho nên “cái đứng lên” của Lêvi nổi bật một ý nghĩa lớn lao: không chỉ là một sự can đảm và quảng đại nhưng còn là một quyết tâm sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi.

Sự hoán cải mang lại cho Lêvi niềm hạnh phúc lớn lao. Ông biểu lộ niềm sung sướng bằng việc làm tiệc lớn để đãi Đức Giêsu tại nhà, có đông đảo người thu thuế và những người khác đồng bàn với Người. Thấy vậy, những người Pharisêu và các kinh sư trách móc các môn đệ Đức Giêsu tại sao lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi (x. Lc 5,30). Đức Giêsu biết họ đang nói về chính mình nên đáp lại: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). Người không chỉ lên án thái độ hẹp hòi của của những người Biệt phái, nhưng còn khẳng định sứ vụ của Người là hoán cải những tâm hồn thống hối, vì Người là Đấng giàu lòng xót thương.

Đức Giêsu năm xưa đã tỏ lòng thương xót và mời gọi Lêvi mở lòng sám hối ăn năn thì trong mùa Chay thánh này, Người cũng dủ lòng xót thương mời gọi mỗi chúng ta là những tội nhân. Chúng ta cần có thái độ nào trước lời mời gọi của Người? Chúng ta hãy trở nên như Lêvi, một tội nhân làm nghề thu thuế đã biết đứng dậy đi theo Chúa và từng bước trở nên một thánh nhân rao giảng Tin Mừng. Cần một sự sám hối thực sự: biết mình đã làm gì, đang làm gì và sẽ phải trở thành con người như thế nào. Chúng ta cũng được mời gọi tránh xa thái độ của những người Biệt phái: khinh người, tự cho mình là những người đạo đức, nên không cần đến lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa. Nhìn vào tận cõi lòng mình, không ai trong chúng ta là công chính trước mặt Chúa; điều quan trọng là chúng ta biết sám hối thật lòng để đón nhận lòng xót thương của Người.

Lạy Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Xin xót thương chúng con là những kẻ tội lỗi để chúng con biết can đảm đứng lên trở về với Chúa và đón nhận tình yêu cứu độ Ngài ban, bởi vì Ngài là Đấng đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn (x. Lc 5,32).


Comments are closed.