Thứ 6 Tuần 24 Thường Niên – Ngày 21/09/2018

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 9, 9-13″]

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CÁI NHÌN YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA

“… Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo người.” (Mt 9, 9)

Người ta vẫn thường nói: Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Nhận định đó rất đúng. Khi nhìn vào mắt ai đó chúng ta có thể cảm nhận được tâm trạng của họ như thế nào. Nhiều khi, một ánh mắt cũng có sức mạnh làm thay đổi cả một đời người. Bài Tin Mừng trong ngày lễ Kính thánh Mát-thêu cho chúng ta thấy rõ kinh nghiệm này.

Mát-thêu làm nghề thu thuế. Đây là nghề bị xếp vào những tội công khai trong xã hội lúc ấy, ngang hàng với nghề gái điếm và trộm cướp. Bởi thu thuế là bóc lột tiền của đồng bào để làm giàu cho đế quốc Rôma – kẻ thù của dân tộc Do Thái. Vì thế, bản thân Mát-thêu và những người thu thuế khác đi đến đâu cũng bị cộng đồng nhìn với cặp mắt khinh bỉ và lạnh nhạt. Thế nhưng Chúa Giê-su thì khác. Khi đi ngang qua trạm thu thuế của Mát-thêu, Người đã nhìn ông bằng một cái nhìn đầy cảm thông và thương xót. Trước ánh mắt của vị Thầy Nhân Lành dành cho mình lúc ấy, có lẽ Mát-thêu hơi ngỡ ngàng. Và rồi “Như mắt của gia nhân ngước nhìn tay ông chủ”(Tv 122, 2a), Mát-thêu dường như đang chờ đợi một điều gì đó lớn lao hơn để ông có thể đánh đổi mọi sự đang có. Chúa không phụ lòng ông khi đã ngỏ lời : “Anh hãy theo tôi !”. Không biết tâm trạng của Mát-thêu khi ấy ra sao, chỉ biết rằng sự mặc cảm nặng nề trong lòng Mát-thêu đã tan chảy trước lời mời gọi dịu dàng của Chúa Giê-su. Trái tim của ông hoàn toàn bị chinh phục, “Ông đứng dậy đi theo Người”(Mt 9, 9).

Qua trình thuật về ơn gọi của Mát-thêu, chúng ta nhận thấy: Tất cả khởi đi từ chính cái nhìn yêu thương của Chúa Giê-su. Nhìn lại bản thân, chúng ta tự hỏi: Cái nhìn của chúng ta có đem lại sức sống cho người khác như Chúa đã làm cho Mát-thêu không? Hay chúng ta đã dùng đôi mắt của mình như một vũ khí để làm tổn thương ai đó mà mình không ưa thích? Thiết nghĩ chúng ta không được quên rằng: Kitô hữu là người mang Chúa Kitô trong mình. Nghĩa là “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”(Gl 2, 20). Nếu tâm hồn chúng ta có Chúa, chắc chắn cái nhìn của chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ nhìn mọi người xung quanh không phải bằng cái nhìn chủ quan cá nhân nữa, mà bằng cái nhìn của chính Chúa Giê-su, cái nhìn của tình thương. Lúc ấy, mỗi người chúng ta sẽ không còn những cái nhìn soi mói, rình mò; không còn những ánh mắt vô cảm và ích kỷ; cũng như không còn nhìn nhau bằng đôi mắt thù hằn. Thay vào đó là những cái nhìn thánh thiện và đầy yêu thương. Như vậy, để cái nhìn của chúng ta đẹp như cái nhìn của Chúa, chúng ta “hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2, 5). Bởi một cái nhìn đẹp chỉ phát xuất từ một tâm hồn đẹp.

Lạy Chúa Giê-su, Thánh Mát-thêu đã bị đánh động bởi cái nhìn của Chúa, để rồi thay đổi cuộc đời, trở nên Tông đồ cho Nước trời. Xin Chúa cho chúng con biết tập nhìn mọi người bằng ánh mắt của Chúa, vượt lên trên những dáng vẻ bề ngoài, để chúng con nhìn thấy nhiều điều tốt đẹp nơi anh chị em mà con gặp gỡ, nhờ đó, mọi người có thể nhận ra được vẻ đẹp của lòng thương xót Chúa. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.