Thứ 5 Tuần 24 Thường Niên – Ngày 20/09/2018

Lời Chúa: Lc 7, 36-50

Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.

Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng : “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào : một người tội lỗi !” Đức Giêsu lên tiếng bảo ông : “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông !” Ông ấy thưa : “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Đức Giêsu nói : “Một chủ nợ kia có hai con nợ : một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn ?” Ông Simôn đáp : “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giêsu bảo : “Ông xét đúng lắm.”

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simôn : “Ông thấy người phụ nữ này chứ ? Tôi vào nhà ông : nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay : tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ : “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng : “Ông này là ai mà lại tha được tội ?” Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ : “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”

 


Suy niệm

GẶP GỠ ĐẤNG THƯƠNG XÓT

“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 6, 47)

Theo mạch văn trong lời kể của thánh sử Luca, chúng ta biết khi ông tiếp đón Đức Giêsu tại nhà mình, người Pharisêu tên Simon đang có một cái nhìn đầy khinh thị với người đàn bà bước vào nhà ông. Chúng ta cũng ít nhiều hiểu được thái độ của ông Simon lúc này. Sự khinh thị dẫn đến hạ thấp người khác xuống và coi họ không cùng “đẳng cấp”. Ông Simon trong bài Tin Mừng đã dùng mối ác cảm này để liệt người đàn bà bước vào nhà ông xuống thành “thứ người tội lỗi” để rồi ông cũng lên án vị khách mà ông đã mời đến: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào : một người tội lỗi !”.

Đức Giêsu không có cùng cái nhìn với ông Simon. Ngài biết có người phụ nữ đến và đứng đằng sau; Ngài biết chị đang đứng sát chân Ngài mà khóc; biết chị lấy nước mắt mà tưới ướt chân Ngài; biết chị lấy tóc mà lau đi những giọt nước mắt, rồi chị hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên. Ngài hoàn toàn biết người phụ nữ đang đụng vào mình là ai, biết chị cần gì vì quả thật Ngài là một Ngôn Sứ và còn hơn cả một vị ngôn sứ nữa, Ngài là Con Thiên Chúa – là Đấng Thương Xót.

Đức Giêsu không dùng ánh mắt khinh thị, lời nói xét đoán, hành động ruồng bỏ để đến với nhân loại. Trái lại, Ngài dùng một ánh mắt cảm thông, dùng lời nói nâng đỡ, dùng đôi tai nghe lời than thở, dùng đôi tay để đụng chạm đến những tâm hồn đau thương để cứu vớt nhân loại. Có lẽ ít nhiều chúng ta cũng cảm nhận được sự hân hoan trong tâm hồn khi một Phêrô được ánh mắt soi thấu tâm hồn khiến ông ra ngoài khóc nức nở; khi một Matthêu được ánh nhìn trìu mến để ông trở thành Tông Đồ của Chúa (x. Mt 10, 2-5); khi một Maria Mađalêna được Chúa đụng đến để bà trở thành người loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông Đồ; khi một Giakêu được nghe những lời an ủi khiến ông quay đầu trở lại; và khi một Phaolô được đụng chạm trong tâm hồn biến ông từ kẻ bắt đạo trở thành một Tông Đồ dân ngoại…

Đức Giêsu thường được các sách Tin Mừng Nhất Lãm gọi là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Là Con Thiên Chúa, Ngài đã không dùng “ác cảm” để đến với con người, nhưng bằng tất cả tình yêu và lòng thương xót. Còn chúng ta là những kẻ tội lỗi lại dùng “ác cảm” để xét đoán nhau. Chúng ta có thật sự tốt để có đủ tư cách lên án tha nhân, hay chúng ta cũng sẽ lầm lũi ném những hòn đá xuống trước lời kêu gọi của Đức Giêsu: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7). Chớ gì lối sống của chúng ta không trở thành rào cản mà trở thành một lối mòn dẫn lối các tội nhân đến với Thiên Chúa. Chớ gì chúng ta biết dùng một ánh mắt thiện cảm để cảm thông, một đôi tai dám nghe những lời than thở, một miệng lưỡi nói những lời động viên, một đôi tay thực hiện những hành động nâng đỡ để người anh em của chúng ta nhận được cái đụng chạm của lòng thương xót của Chúa Giêsu xưa.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết dùng chính những phần thân thể Chúa ban cho chúng con là ánh mắt, đôi tai, miệng lưỡi và đôi tay để thực hiện những hành động của Lòng Thương Xót với tha nhân. Xin cho chúng con biết đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm (Kinh hòa bình). Khi chúng con dám làm những điều đó vì Danh Chúa là chúng con đem Lòng Thương Xót của Chúa đến mọi nơi vì chính nơi Lòng Thương Xót ấy, chúng con đã được Chúa Xót Thương. Amen.


Comments are closed.