[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 12,1-8″]
Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TÌNH YÊU TRỌNG HƠN LỀ LUẬT
“Con Người làm chủ ngày sa-bát” (Mt 12,8).
Trong đoạn Tin Mừng, từ “Sa-bát” xuất hiện 5 lần. Điều đó cho chúng ta nhận ra giá trị quan trọng của ngày sa-bát trong đời sống tôn giáo của người Do Thái. Vì thế, các giới chức đạo Do Thái đặt ra nhiều điều cấm để bảo vệ sự thánh thiêng này nhưng lại quên đi giá trị cốt yếu của ngày sa-bát.
Đối với người Do Thái, ngày Sa-bát là ngày để tưởng nhớ biến cố giải phóng khỏi Ai Cập và công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Luật giữ ngày Sa-bát chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tôn giáo của họ: không được làm bất cứ việc gì (x. Xh 20,10), không được bứt lúa (x. Mt 12,2), không được chữa bệnh (x. Mt 12,10). Đối với họ, trung thành với lề luật là cách làm đẹp lòng Thiên Chúa, là cách làm vinh danh Chúa. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại chọn cách hành xử hoàn toàn khác biệt, Ngài đặt tình yêu là tâm điểm cho lề luật. Đức Giêsu muốn tôn vinh Thiên Chúa bằng cách tỏ lòng thương yêu của Ngài đối với những người bệnh tật, đau khổ và chữa lành cho họ. Hơn nữa, Đức Giêsu còn muốn giải thoát họ khỏi nô lệ tội lỗi, để sống tự do trong tâm tình một người con của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đem đến một tinh thần mới cho ngày sa-bát, đó là ngày của tình yêu, đến với Chúa bằng tình yêu chân thành, và hướng đến những người xung quanh bằng cả tấm lòng.
Chúa Nhật là ngày của Chúa, là ngày của niềm vui và sự bình an, là ngày Chúa thi ân giáng phúc cho chúng ta. Thế nhưng chúng ta đến với Chúa bằng động lực nào, tham dự thánh lễ vì luật buộc hay là lòng mến. Chúa ban cho chúng ta có một tuần làm việc, Chúa muốn chúng ta có một ngày đặc biệt để dành riêng cho Chúa, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và tình yêu của Ngài. Chúa muốn chúng ta được nghỉ ngơi, được bồi bổ bằng Lời Chúa và Thánh Thể. Thế nhưng, chúng ta đã dành cho Chúa quá ít thời gian, đến thì vội vàng, về trong hối hả. Chúng ta thường tranh thủ đến với Chúa để kéo dài cuộc chơi của mình. Chúng ta chưa yêu Chúa nhiều nên thánh lễ Chúa Nhật trở nên nặng nề. Vì chưa yêu Chúa nên chúng ta chỉ biết quanh quẩn cho mình, cho đam mê riêng và những vui thú trần thế. Vì chưa cảm nghiệm được tình yêu của Chúa nên chúng ta không nghe được tiếng kêu cứu của những người đau khổ cần được giúp đỡ. Vì thiếu lòng mến Chúa thật nên chúng ta ngại hy sinh, dấn thân làm cho cộng đồng thêm tốt đẹp.
Lạy Chúa, xin đốt lên trong lòng chúng con lửa yêu mến Chúa, cho chúng con biết quý trọng những giây phút được gặp gỡ Chúa trong thánh lễ. Xin cho chúng con biết đến với anh chị em bằng tình yêu của Chúa, giúp chúng con biết toả tan tình Chúa trong một thế giới còn nhiều hận thù, dửng dưng và vô cảm. Amen.
[/loichua]