Thứ 7 Tuần 15 Thường Niên – Ngày 18/07/2020

Lời Chúa: Mt 12,14-21

Khi ấy, các người biệt phái đi ra ngoài, bàn mưu kế chống lại Chúa Giê-su để hãm hại Người. Biết thế, Chúa Giê-su rời bỏ nơi ấy. Có nhiều kẻ đi theo Người, và ai có bệnh, đều được Người chữa lành. Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời tiên tri I-sai-a đã chép rằng : “Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự công chính cho dân ngoại. Người không cãi cọ hay không kêu to, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người”.

 


Suy niệm

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

“Người không cãi cọ hay kêu to, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng” (Mt 12,19-20).

Có lẽ chúng ta đã có kinh nghiệm về hiệu quả của sự giận dữ và hiền lành là như thế nào. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI nhắc rằng: sự giận dữ hủy hoại phá hủy nhiều thứ; ngược lại, sự hiền lành đạt được nhiều điều. Người hiền lành thu phục nhân tâm, cứu vãn tình bạn, bảo vệ tương quan với Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày sự hiền lành và hay tha thứ của Chúa Giêsu, mẫu gương để chúng ta bắt chước Ngài. Chúa Giêsu hiền lành, điềm đạm trước mọi việc Ngài làm. Trong suốt hành trình rao giảng, Ngài quy tụ và xây dựng tình thân, chiếm được trái tim người khác, chữa lành và tha thứ, hồi phục con người mà xã hội cho là ô uế, tội lỗi, khinh bỉ. Chúa xoa dịu những kẻ tố cáo và cơn giận dữ của đám đông đòi ném đá người phụ nữ phạm tội ngoại tình (Ga 8,2-11). Chúa chữa lành người phong cùi, cho họ được hòa nhập vào với cộng đồng mà không bị khinh thị xa lánh nữa (Lc 17,11-19). Bên cạnh đó, Chúa còn đoái thương chọn gọi tông đồ mà dân chúng xem là phường tội lỗi như Matthêu. Chúa hiền lành nhưng không khuất phục mặc dù bị nhiều chống đối, Ngài hành động vì tình yêu và lòng thương xót. Tuy Chúa biết khi rao giảng và cứu độ sẽ không tránh khỏi sự đối kháng, nhưng Ngài vẫn tiến tới sự khiêm hạ vì tình yêu con người mà cao điểm nhất là cuộc thương khó của Ngài: “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bằng” (1Pr 2,23; x. Pl 2,6-8).

Những người hiền lành là những người có lòng thương xót trước những đau khổ, những lỗi lầm của tha nhân; bởi vậy, chúng ta phải tìm cách an ủi, động viên những người bị hắt hủi để họ có niềm hy vọng được hòa nhập, được chữa lành. Để làm được điều đó, bài học hiền lành và khiêm nhường cần có thêm sự khéo léo và tế nhị. Hôm nay, Chúa dạy tôi hãy học hiền lành và khiêm nhường ở sự tế nhị của Chúa Giêsu ví như “cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy; tim đèn còn leo lét khói, Người chẳng nỡ tắt đi”. Nhìn lại bản thân, đã bao lần tôi mang tội lỗi, biết nhiêu lần tôi xúc phạm đến tha nhân với lời nguyền rủa phỉ nhục sau lưng. Đó là bấy lần tôi như cây lau bị giập, nhưng Chúa không đành bẻ gẫy mà vẫn nâng niu, để chữa tôi được lành. Đôi khi tôi như cây đèn chỉ còn leo lét khói vì bị tắt bởi tư tưởng trả thù, nhưng Chúa vẫn che chắn, không những để không tắt, mà còn cho lửa yêu thương tha thứ rực sáng lên. Đúng thực, chỉ khi bản thân cảm nhận Chúa hiền lành và khiêm nhường, Chúa yêu tôi thì tôi mới dễ lòng tha thứ và khiêm nhường phục vụ người khác vì, “mỗi lần ta làm việc tốt cho những anh em bé nhỏ nhất của Chúa, là ta làm cho chính Ngài vậy” (x.Mt 25,40).

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta có được sự hiền lành và khiêm nhường phục vụ anh em cách âm thầm như Chúa, để luôn ý thức việc chúng ta là làm cho chính chúa. Từ đó, mọi người nhận ra chúng ta là môn đệ Ngài qua cách phục vụ anh em với trái tim tình yêu của Thầy Giê su. Amen.


Comments are closed.