[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 5,27-32″]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: “Chớ ngoại tình”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.
Có lời dạy rằng: “Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
LY DỊ: GIẢI THOÁT HAY NGÕ CỤT
“Có lời dạy rằng: “Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: “bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa” (Mt 5,31-32).
Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu Kitô, Đấng muôn dân hằng mong đợi, mạc khải cho chúng ta biết những mối phúc thật (x. Mt 5,1-12) và những lối sống phải có để đạt được mối phúc ấy. Trong những đòi hỏi của lối sống này, Người minh nhiên yêu cầu đừng ly dị (x. Mt 5,31-32), dù luật Môsê có cho phép vì dân chúng lòng chai dạ đá.
Thực vậy, trong tông huấn về gia đình (2002), ĐGH Gioan Phaolô II nhấn mạnh một điều, Gia đình là nền tảng của xã hội. Vậy thì, Sự tan vỡ hôn nhân gia đình cũng làm suy yếu xã hội. Tự bản chất của hôn nhân có tính bền vững do sự cam kết trung thành từ hai bên nam nữ. Ly dị biến cam kết trung thành suốt đời thành “hợp đồng ngắn hạn”. Như thế, Ly dị xúc phạm đến nhân phẩm của cả hai vợ chồng vì họ phản bội lại lời hứa trung thành với nhau mà chính họ đã công khai hứa và ký kết. Họ trở thành kẻ dối trá, lừa bịp và vô trách nhiệm. Họ đã tự hạ giá nhân phẩm chính mình xuống bằng lối hành xử theo bản năng, dựa trên cảm xúc hay lợi lộc vật chất.
Với gia đình Kitô Giáo, sự tự do cam kết công khai trước đại diện hợp pháp của Hội Thánh còn được nâng lên hàng bí tích. Hôn nhân ấy được Chúa chuẩn y và chúc phúc. Chúa muốn nơi họ: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Vậy việc ly dị nơi gia đình Kitô Giáo sẽ xúc phạm nặng nề đến Chúa và đến nhau. Xúc phạm Chúa vì biến Chúa thành người chứng giám cho sự dối trá, bội phản, bất trung; gương xấu của gia đình ly dị sẽ làm xấu danh Chúa trước chư dân. Xúc phạm đến nhau vì đẩy cả hai người vào tình trạng bất trung và hạ phẩm giá. Những người ly dị tưởng rằng: trao chứng thư ly dị, phân chia tài sản, trợ cấp con cái… là đã thực hiện sự công bằng cho nhau, giải thoát nhau để được tự do theo cuộc sống mới. Nhưng Chúa Giêsu nói rõ: “bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa”. Như vậy, việc ly dị tạo cho cả hai vợ chồng nguy cơ sa lầy vào những con đường đưa đến sự diệt vọng, xa rời mối phúc mà Ngài đã chuẩn bị cho mỗi người họ. Do đó, họ cho rằng ly dị là giải thoát cho nhau và thoát khỏi thập giá gia đình, thì thật ra họ đang gây ra sự bất công tột độ cho người bạn đời và con cái, đưa nhau vào ngõ cụt, vào “cửa tử”, mất sự sống đời đời.
Khi Chúa Giêsu ban bố một luật, thì Ngài cũng đồng cảm và liệu chừng để chúng ta thực hiện được, vì “ách” của Chúa êm ái và “gánh” của Chúa nhẹ nhàng (x. Mt 11,30). Hơn nữa, Ngài luôn mời gọi hãy đến với Ngài để Ngài chia sẻ gánh nặng gia đình, “mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7), để Ngài cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (x. Mt 11,28). Đón nhận thánh giá gia đình và bước theo Chúa Giêsu mới là một hướng giải thoát thực, đưa về cõi phúc thật mà Ngài đã hứa ban.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ nỗi khốn khổ của từng gia đình chúng con. Xin Chúa đón nhận những khó nhọc mà chúng con đang hy sinh cho nhau, như là sự cố gắng bước theo Chúa, để chúng con được cùng nhau về hưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.
[/loichua]