Thứ 6 Tuần 1 Mùa Chay – Ngày 06/03/2020

Lời Chúa: Mt 5,20-26.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”

 


Suy niệm

ĐỘNG LỰC TÌNH YÊU

“Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu”. (Mt 5,20).

Mỗi khi chúng ta muốn làm một việc gì thì chính cái muốn đó là động lực thúc đẩy chúng ta hành động. Mỗi người, mỗi động lực, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh…Vậy trong hoàn cảnh bài Tin Mừng mà cộng đoàn vừa nghe thì dựa vào động lực nào mà “Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu”? (Mt 5,20).

Xin thưa, đó là động lực tình yêu. Chính vì động lực này mà Chúa Giêsu đã tự hạ mình đến trong trần thế để thiết lập một giao ước mới với con người. Đối với các luật sĩ và biệt phái thời bấy giờ, động lực thúc đẩy họ chu toàn lề luật đó là do sự bó buộc của luật. Khi họ thực thi, tuân thủ đúng với tất cả những điều lề luật quy định thì phận vụ của họ xem như đã xong và họ được xem là người công chính. Với họ, công chính là chu toàn lề luật, điều này đúng nhưng chưa đủ. Điều đủ mà Chúa Giêsu muốn nói đến ở đây, đó là phải thực thi lề luật với động lực tình yêu, phải khám phá ra chiều rộng và sâu của luật. Dù có 5, 10, 613 hay 1752 điều luật thì với động lực tình yêu, nó phải được nhắm đến mục đích cuối cùng là cứu rỗi các linh hồn là luật tối thượng. Đã là luật lệ thì bao giờ cũng có giới hạn, chỉ có tình yêu mới làm cho luật trở nên sống động và vượt qua giới hạn của nó. Bởi chưng, giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn, thế nên Chúa Giêsu đã không đặt trước mặt con người luật lệ của Chúa mà đặt trước họ tình yêu của Người. Trong tình yêu ấy, không giết người chưa đủ nhưng còn phải yêu thương và trân trọng người anh em mình, không được mắng, chửi, giận hờn hay bất hòa.

Những đòi hỏi của Chúa Giêsu xem ra khó mà thực hiện bởi giữa cuộc đời chênh vênh này tránh sao được những lần đụng chạm và gây tổn thương cho nhau. Ai trong chúng ta dám nói rằng mình chưa bao giờ nóng nảy, la lối và giận hờn chi ai. Chúa Giêsu không chờ cho chúng ta nêu lên thắc mắc này nhưng Người đã đi bước trước để chúng ta thấy mà đi theo Người. Thay vì kết án Phêrô chối mình, Chúa đã đổ đầy vào cõi lòng đang mặc cảm của ông một tình thương vô bờ bến. Không chỉ thế, Người đã chịu một bản án oan, chấp nhận đòn roi, gai nhọn, đinh sắt, lưỡi đòng và cả những lời sỉ nhục, phỉ báng của mọi tầng lớp trong dân. Nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mà Chúa Giêsu phải chịu nhưng Chúa không hề bực tức, giận hờn, trong Người chỉ có tình yêu, một tình yêu vĩ đại đã phủ lấp muôn ngàn tội lỗi. Và chính trong nỗi khốn cùng của kiếp người, trên “bàn thờ thập giá” Chúa Giêsu đã dùng chút hơi tàn cuối cùng để nài xin Chúa Cha tha thứ cho mọi người chỉ vì “họ không biết việc họ làm”. Chúng ta có giống như Chúa Giêsu không? Trong lòng chúng ta chất chứa những gì: động lực tình yêu hay hận thù thúc đẩy?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương Chúa, biết dùng tình yêu và sự cảm thông mà đối xử với nhau. Cùng xin Chúa dùng tình yêu của Người mà phủ lấp muôn vàn tội lỗi của mỗi người chúng con.


Comments are closed.