Thứ 6 sau Lễ Chúa Hiển Linh – Ngày 11/01/2019

Lời Chúa: Lc 5,12-16

Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch”. Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: “Ta muốn, hãy nên trơn sạch”. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: “Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch”. Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.

 


Suy niệm

ĐẾN VÀ GẶP ĐỨC GIÊSU

“… thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5,12)

Phận người ai mà chẳng day dứt với đau khổ: đau khổ vì bệnh tật,đau khổ vì biết chắc cái chết đang đến gần, đau khổ vì mọi tương quan với người thân, xã hội bị cắt đứt. Người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay đã rơi vào tình trạng đau khổ ấy, nhưng anh đã mở ra cho chúng ta một hướng giải quyết là đến và gặp Đức Giêsu.

Sách Lêvi quy định : người mắc bệnh phong phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và đặc biệt luôn phải kêu lên : “ô uế!” “ô uế!” để người khác biết mà tránh xa (x. Lv 13,45-46). Sở dĩ, người cùi phải bị loại trừ ra khỏi cộng đồng không chỉ vì đó là cái căn bệnh lây lan, không thể cứu chữa mà còn vì đó là quan niệm tôn giáo: bệnh gắn liền với tội. Bệnh càng nặng, tội càng lớn. Vì thế, người phong cùi luôn bị coi là kẻ tội lỗi, là phần tử nguy hoại cho xã hội cần phải loại trừ. Song, người cùi trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã không chịu vùi mình trong cái quy luật được vạch sẵn ấy. Anh xé rào, bứt mình ra khỏi thể chế phải chết trong sự cô đơn, tủi nhục của căn bệnh quái ác ấy để đến và gặp Đức Giêsu. Dẫu cho niềm tin mong manh của anh chỉ đủ để anh cất lên được một tiếng “nếu” “nếu Ngài muốn” đầy run rẩy, uất ức và căm hờn ấy, thì hẳn tâm hồn anh phải giằng co, phải chiến đấu mãnh liệt với chính mình lắm. Đó hẳn là cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết đang kề sát mặt. Đó phải là cuộc chiến giữa tiếng thét gào “ô uế” thê lương, tuyệt vọng với cái khao khát được sống, được hòa nhập vào nhịp sống cộng đồng. Và cuối cùng, cái khao khát muốn sống trong anh đã thắng để đưa anh đến và gặp Đức Giêsu.

Một chi tiết đáng lưu ý là thánh Luca không cho chúng ta biết phản ứng theo lẽ thường phải có của đám đông khi một người mắc bệnh truyền nhiễm dám công khai hòa mình vào dòng người như vậy. Chúng ta cũng chẳng hề nghe thấy tiếng kêu ai oán, đau đáu “ô uế!” quen thuộc của người bệnh. Nhưng Ngài đã cho chúng ta thấy khát vọng sống mãnh liệt của người phong cùi là dám băng vượt qua nỗi đau khổ và rào cản định chế để chạy đến với Đức Giêsu. Nếu như anh đã chiến thắng cái định chế, bứt mình khỏi nỗi sợ hãi, thì Đức Giêsu cũng chủ động bước ra khỏi cái ranh giới, luật lệ và sự an toàn của chính mình để chạm vào thân thể cùi hủi, lây lan của anh. Đó là cái chạm vào một con người đang đứng trước mặt Ngài. Đó là cái chạm xác nhận tình trạng lành bệnh cho anh và đồng thời hàm ý rằng tương quan xã hội của anh được thiết lập trở lại từ giây phút này. Và đó còn là cái chạm của tình yêu Thiên Chúa vào tận sâu tâm hồn đang khô héo vì đau khổ, thất vọng để chữa lành và mang lại một cuộc sống mới.

Nhìn vào cuộc sống hôm nay, công nghệ tân tiến đang muốn thay thế cho các cuộc gặp gỡ thân tình, cho những cái bắt tay, những cái ôm chặt của tình cha nghĩa mẹ, của người thân bằng các cuộc gọi livestream, facebook, zalo… Suy nghĩ xa hơn một chút, chẳng biết chừng ngày nào đó con người cũng muốn tham dự thánh lễ, rước lễ hay xưng tội qua ipad, iphone… cho tiện lợi và đỡ mất thời giờ, thì không biết thế giới này sẽ về đâu.

Lạy Chúa, xin Chúa là nguồn tình yêu khơi mở và thôi thúc tâm hồn mỗi người chúng con để chúng con có thể cảm nếm và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mỗi giờ kinh, thánh lễ và mọi việc chúng con làm, hầu mỗi ngày càng thêm lòng say mến và yêu thích được gặp gỡ Chúa. Amen.


Comments are closed.