[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 2,13-18″]
Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.
Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
GIẬN QUÁ MẤT KHÔN
“Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống” (Mt 2,16).
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng gặp những chuyện không vui, những việc đáng giận? Đứng trước những trái ý đó, cổ nhân thường có lời khuyên: “No mất ngon, giận mất khôn”. Điều này có nghĩa gì?
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một khía cạnh tiêu cực của sự giận dữ, điển hình là Hêrôđê. Khi nghe biết về sự chào đời của một vị vua mới sinh, tức Hài Nhi Giêsu, như lời Cựu Ước đã loan báo (x. Mt 2,2); Hêrôđê có vẻ quan tâm đến sự kiện này như Tin Mừng thánh Mátthêu đã thuật lại: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” (Mt 2,8). Nhưng, thực chất bên trong, ông lại toan tính kế hoạch sát hại Hài Nhi ấy. Quả thật, lòng người khó đoán: “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Khi kế hoạch không được như Hêrôđê mong đợi, ông đã “nổi cơn thịnh nộ” và ra lệnh tàn sát các hài nhi vô tội (x. Mt 2,16). Đó là cơn giận bùng phát từ “cái tôi” ngạo mạn của Hêrôđê, mà nay nó biến thành hành động tàn bạo, mất tính người. Ẩn sâu trong cơn giận bạo tàn ấy, chúng ta nhận ra sự sợ hãi vô cớ của ông cho vương quyền mình. Nó vô cớ vì ông sợ mất điều không thuộc về mình: có phải vương quyền ấy thực chất là của chính ông hay do ai ban cho? Nhưng điều đó có nghĩa gì nếu cuộc đời bị hư mất: Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn, nào được ích gì? (x. Lc 9,25).
Khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không khỏi thắc mắc: Tại sao trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, niềm vui ơn cứu độ đang đổ tràn trong tâm hồn mỗi người tín hữu, thì Giáo Hội lại cho chúng ta suy ngắm về việc “các hài nhi bị giết hại”? Vậy đâu mới là chìa khóa giải đáp cho thắc mắc của chúng ta? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong hành động của Hêrôđê: ông đã loại bỏ Chúa Giêsu, nên các hài nhi vô tội đã bị giết. Điều này có nghĩa: một khi con người loại trừ Chúa Giêsu, sự ác sẽ xâm chiếm cõi lòng họ. Do đó, để thoát khỏi cạm bẫy của sự ác, chúng ta phải đón nhận chính Chúa Giêsu, Đấng là “Tình Yêu” của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thật vậy, trong niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh, “Tình Yêu” luôn là một sứ điệp âm vang trong tâm hồn chúng ta. Một “Tình Yêu” có sức mạnh giải thoát con người khỏi những lầm lạc và sự đen tối của “cái tôi” mù quáng. Một “Tình Yêu” có khả năng đẩy lui sự thù hận đang âm thầm gặm nhấm lương tâm con người. Một “Tình Yêu” có thể chữa lành những thương tật do con người gây ra và có sức biến đổi cõi lòng xấu xa của họ.
Về phần mình, chúng ta đừng để mình biến chất thành những Hêrôđê thời đại mới khi để cơn nóng giận chi phối, nhưng “mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1,19-20). Điều đó có nghĩa: nếu muốn bước đi trong đường lối của Thiên Chúa, muốn sống niềm vui Giáng Sinh mà Thiên Chúa đã đổ tràn trong tâm hồn chúng ta, ngay từ bây giờ chúng ta hãy sống yêu thương để xóa bỏ mọi thù hận và hiềm khích. Khi đó, lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27) sẽ không còn là điều xa vời, nhưng đã được hiện thực hóa nơi cuộc đời chúng ta.
“Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7). Xin Chúa giúp chúng con để tâm suy nghĩ những lời dạy của Thánh Phaolô để từng lời nói và hành động của chúng con luôn diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, trước là cho chính chúng con và sau là cho con người trong thời đại hôm nay. Amen.
[/loichua]