[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 11,14-23″]
Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán:
“Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.
Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC
“Ai không đi với tôi là chống lại tôi” (Lc 11,23).
Chủ đề gợi ý cho bài suy niệm là: Để có hạnh phúc đích thực; câu Lời Chúa ý lực là: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi” (Lc 11,23). Câu lời Chúa ý lực thoạt tiên nghe có vẻ không hợp với chủ đề. Tuy nhiên, nếu có một bước chuyển dịch ý tưởng từ lời khẳng định “Ai không đi với tôi là chống lại tôi” sang lời truyền khiến “Hãy bước theo tôi”, thì có lẽ vấn đề được làm sáng tỏ hơn. Và như vậy, lời mời gọi “Hãy bước theo Đức Ki-tô” chính là nội dung của bí quyết “để có hạnh phúc đích thực”. Hay nói cách khác, để có hạnh phúc đích thực – hãy bước theo Đức Ki-tô. Đó cũng là một trong các sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay muốn diễn tả.
Thánh sử Luca thuật lại: sau khi Chúa Giê-su trừ một tên quỷ câm, thì mọi người đều bỡ ngỡ. Trong số họ, có người nói rằng Đức Giê-su dựa thế quỷ vương Bêelgiêbút mà trừ; kẻ khác thì thử Người bằng cách xin một dấu lạ. Họ không tin Chúa Giê-su. Đứng trước sự cứng lòng này, mặc dù vẫn kiên nhẫn giải thích bằng một câu chuyện dài, nhưng sau cùng, Chúa Giê-su đã đưa ra một khẳng định rất quyết liệt: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi” (Lc 11,23). Nếu Thiên Chúa là nguồn mạch hạnh phúc, thì việc chống lại Đức Giê-su, một vị Thiên Chúa làm người, chính là đang bước đi trên con đường lầm lạc và khổ đau. Do đó, lời khẳng định của Đức Giê-su chính là lời mời gọi đầy yêu thương: “Hãy bước theo Tôi, sẽ tìm được hạnh phúc thực”.
Đưa ra lời mời gọi này, Chúa Giê-su không chỉ nhắm đến đám đông dân chúng, nhưng còn muốn thức tỉnh các môn đệ của Người. Kinh Thánh ghi nhận: Một lần kia, Gioan đòi tiêu diệt cả một làng vì họ đã không đón tiếp các ngài (x. Lc 9,54 ); Lần khác, Phê-rô cản Chúa, vì không muốn Người đi vào Cuộc khổ nạn (x. Mt 16,23 ); Một bữa nọ, các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất (x. Lc 9,46 ); Và trong lúc khổ đau và cô đớn nhất của hành trình tử nạn, không một môn đệ nào ở bên Chúa Giê-su; họ đã bỏ trốn hết. Có lẽ khi ấy, các môn đệ chưa ý thức đủ rằng: bước theo Đức Giê-su, chính là cùng bước đi trên hành trình mà Người sẽ đi. Hành trình ấy là tìm và thực thi thánh ý của Thiên Chúa với tình yêu của người con thảo. Như vậy, ở bên Chúa bấy lâu nay, nhưng các môn đệ vẫn chưa thực sự bước theo Người. Các ông vẫn dễ nóng giận, thiếu yêu thương, và thậm chí thật tàn nhẫn: đòi tiêu diệt cả một làng người ta; thế mà các ông vẫn muốn từ chối thi hành thánh ý của Chúa, vì sợ khổ; thế mà các ông vẫn bận tâm so sánh xem ai hơn ai kém, ai cao ai thấp; thế mà các ông vẫn sẵn sàng bỏ Chúa một mình, khi Chúa sắp chịu tử nạn.
Bước theo Chúa, không gì khác hơn là tìm và thực thi thánh ý của Người. Nếu bước theo Chúa sẽ mang lại hạnh phúc, thì hạnh phúc ấy hệ tại ở việc nhận ra và sống thánh ý Chúa, với tình yêu. Mỗi thời có mỗi thách đố khác nhau, nhưng trong xã hội mà giá trị của con người thường được cân đong đo đếm bằng tài sản, bằng trình độ, bằng các khả năng, hay ngoại hình, thì việc nhận ra giá trị thẳm sâu và sự đặc sắc riêng của từng cá nhân trong ý định của Chúa sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Với bối cảnh này, hành trình “Tìm và thực thi thánh ý Chúa với tình yêu” sẽ là một thách đố lớn cho các môn đệ, nhất là khi thánh ý ấy là một sự hèn kém hay thiệt thòi trong con mắt thế gian. Mọi cảnh huống của cuộc đời đều là cơ hội để yêu thương, như lời thánh Phao-lô đã nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Gương sống của thánh nữ Bakhita – một nô lệ người Sudan, của thánh Maximiliano Kolbe – một tù nhân Phát xít, hay của rất rất nhiều những người cha người mẹ âm thầm, quên mình, hy sinh cho con cái với trọn tình yêu đã cho chúng ta nhiều động lực. Nữ tu Marthe Robin, vị sáng lập Foyer de Charité, đã viết trong nhật ký như sau: “Để cho người khác những hoạt động rực rỡ, những công trình được tuyên dương. Còn cho tôi là sự định tâm trầm mặc, là sự thinh lặng, là nguyện gẫm tâm tình. Để cho người khác một cuộc sống được hoan hô, một đời sống dễ dãi phẳng lặng, còn cho tôi là một đời sống từ bỏ và chiến đấu”; “Vinh quang cho Thiên Chúa, niềm vui cho tha nhân, còn, hy sinh dành cho tôi”; “Ôi Giê-su! Con yêu Ngài, xin tăng thêm trong con ngọn lửa tình yêu của Ngài”.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày thêm gần gũi và thân tình với Chúa, mỗi ngày thêm trung thành tìm kiếm thánh ý Chúa, và can đảm thực thi với tình yêu dành cho Chúa và tha nhân. Amen.
[/loichua]