Thứ 5 Tuần 6 Phục Sinh – Ngày 21/05/2020

Lời Chúa: Ga 16,16-20

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.

Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Ðiều Người nói với chúng ta: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, và “Vì Thầy về cùng Cha”, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói ‘Một ít nữa’ có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?”

Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

 


Suy niệm

THẬP GIÁ, ĐIỂM HẸN CỦA CUỘC GẶP GỠ TÌNH YÊU

“Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha” (Ga 16,16)

“Không thấy, rồi lại thấy Thầy”: đó là những gì mà các môn đệ sẽ trải nghiệm khi Đức Giêsu thực hiện mầu nhiệm vượt qua của mình. Giây phút tưởng chừng như xa cách, nhưng thực sự lại là giây phút của sự hiệp thông, của sự gần gũi giữa Thiên Chúa và con người.

Trở về cùng Cha, Đức Giêsu vẫn không xa lìa chúng ta. Cho dù thập giá là giây phút biệt ly giữa Đức Giêsu và các môn đệ, nhưng đó là sự ly biệt trong thời gian. Còn trên bình diện ân sủng, đó lại là giây phút Ngài kéo nhân loại lại gần với Ngài hơn bao giờ hết, như Ngài đã khẳng định: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Cho nên, thập giá của Chúa Giêsu vừa bao hàm sự chia ly, nhưng đồng thời cũng là điểm qui tụ trong mối liên kết giữa Chúa Cha, Chúa Giêsu và nhân loại chúng ta. Trong biến cố thập giá, Chúa Giêsu vừa cho thấy tính logic nội tại của một tình yêu vâng phục với Chúa Cha, vừa thể hiện tình liên đới trọn vẹn với con người. Chiều sâu liên đới ở đây không chỉ hệ tại ở chỗ Ngài cùng chia sẻ bản tính con người theo hữu thể học, mà còn mang vào mình vận mệnh sống còn của họ, bởi đó chính là cái chết “vì” “cho” nhân loại chúng ta. Cho nên sự xa cách trong hơi thở thể lý chỉ là tạm bợ, vì ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy. “Thấy Thầy” ở đây không phải nhờ khả năng giác quan, nhưng là cái thấy trong vinh quang phục sinh của Ngài, một cái thấy có sức biến đổi tất cả, biến đổi nỗi âu sầu thất vọng của các môn đệ trở thành niềm hoan lạc và hy vọng. Đó là cái thấy trong đức tin đầy sống động mà các môn đệ có được nhờ gắn bó với Thầy của mình.

Lời tiên báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu đã khơi lên trong các môn đệ cảm xúc vừa buồn nhưng cũng vừa vui. Những cung bậc đó cũng sẽ in dấu trong hành trình cuộc đời của mỗi chúng ta. Con đường thập giá của Thầy cũng là chính lộ của người theo Chúa. Đi vào con đường đó ta mới gặp được Thầy Giêsu đích thực của mình, và nơi đó là đỉnh đồi Golgôtha. Nhưng nếu Golgôtha là nỗi ghê sợ và kinh tởm của người Dothái, thì với chúng ta, đó lại là con đường của niềm hy vọng, là lối vào duy nhất dẫn đưa tới niềm vui và bình an vĩnh cửu. Nếu ta kết hợp với Thầy, dù đó là nơi núi sọ, thì giây phút vinh quang phục sinh cũng đã thực sự được khởi đầu. Xác tín vào điều đó, chúng ta sẽ bước đi trong hành trình dâng hiến với sự lạc quan và với tâm thế vững chãi, vì ta đặt hy vọng nơi lời hứa của Chúa: “ít lâu nữa anh em sẽ lại được thấy Thầy”.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cùng bước đi với Chúa trong tình yêu và lòng xác tín. Bởi đi theo Chúa cho tới cùng, Ngài sẽ là người viết đoạn kết cho cuộc đời chúng con, và đó là cái kết trong hạnh phúc vững bền, vì ít lâu nữa chúng con sẽ lại được thấy Thầy, và nỗi buồn của chúng con sẽ trở thành niềm vui, một niềm vui chẳng gì có thể so sánh hay lấy mất được. Để giây phút gặp gỡ tình yêu đó được hoàn hảo, xin cho chúng con được gần Chúa hơn mỗi ngày, ngay từ hôm nay.


Comments are closed.