Thứ 5 Tuần 25 Thường Niên – Ngày 26/09/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lời Chúa: Lc 9, 7 – 9 “]

Khi ấy, quận vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả các việc Chúa Giê-su đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: “Ông Gio-an đã từ cõi chết sống lại”, còn kẻ khác lại nói: “Ông Ê-li-a đã hiện ra”, kẻ khác nữa nói rằng: “Một tiên tri thời xưa đã sống lại”. Nhưng Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?”, và vua tìm cách gặp Người.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CHÚA GIÊSU – NỖI SỢ CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO CHÍNH TRỊ DO THÁI

“Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế” (Lc 9,9).

Trong đời sống thường nhật, chúng ta luôn đối mặt với nhiều nỗi sợ. Đối với những người nông dân chân lấm tay bùn thì sợ vụ mùa không đạt năng xuất, sợ sản phẩm bán ra có giá thành không cao; đối với những nhà chăn nuôi, kinh nghiệm về những cơn đại dịch đã khiến cho họ phải kinh hãi; với những công nhân, đối diện với sự tụt dốc của nền kinh tế thị trường, họ sợ phải thất nghiệp; với những người giàu có thì sợ mất của; còn với những người có quyền lực thì sợ mất tầm ảnh hưởng, mất địa vị…Như thế, mỗi ngành nghề và mỗi vị thế trong xã hội đều có một nỗi sợ khác nhau.

Trang Tin Mừng của thánh lễ hôm nay cho chúng ta thấy một thắc mắc của quận vương Hêrôđê khi nghe biết những việc lạ lùng mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong dân Do Thái: “Ông này là ai mà trẫm nghe đồn những điều như thế?, và vua tìm cách gặp Người” (Lc 9,9). Sự thắc mắc ấy, và những lý luận kèm theo trước đó cho thấy nơi Hêrôđê có một nỗi sợ. Ông quận vương này sợ gì?

Để có thể trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cùng nhìn lại biến cố Giáng sinh của Đấng Cứu Thế. Khi chứng kiến một sự kiện lạ lùng xuất hiện trên bầu trời, các nhà chiêm tinh đã không quảng ngại dặm trường từ Phương Đông đến dò hỏi vua Hêrôđê: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,2). Câu hỏi đó của các nhà chiêm tinh đã khiến cho vua Hêrôđê không khỏi bối rối, và những thắc mắc không ngừng về hài nhi vừa được sinh ra, và mong muốn được gặp Hài Nhi: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” (Mt 2,8). Nhưng phía sau những lời ngọt ngào của nhà vua lại là một âm mưu ghê sợ được toan tính sẵn, và khi hay biết các nhà chiêm tinh đã đi hướng khác để trở về quê hương của họ thì dã tâm được toan tính trước đó được thực hiện một cách man rợ, hậu quả là các con trẻ ở Bêlem và các vùng lân cận bị sát hại (x. Mt 2,16).

Vua Hêrôđê cha có những hành động tàn ác đến vậy vì ông sợ mất ngôi vị và quyền lực, còn quận vương Hêrôđê sợ điều gì khi nghe biết những việc Chúa Giêsu đã làm trong dân Do Thái? Ông sợ vì những lời đồn đại trong dân chúng không chỉ dừng lại ở những lời giảng dạy đầy uy quyền, nhưng những phép lạ của Chúa Giêsu thực hiện còn khiến cho ông phải kinh ngạc hơn nữa, mà hơn hết danh Giêsu mà quận vương nghe biết còn có dân chúng từ khắp nơi của đất nước Palestine đi theo Người (x. Lc 6,17). Một Gioan mới hôm nào đã khiến cho ông phải mất ăn mất ngủ, nay lại xuất hiện một người còn uy thế hơn cả Gioan, người mà Gioan đã tuyên bố rằng: “Tôi không đáng cởi quai dép cho cho Người” (Ga 1,27).

Như thế hai nhà lãnh đạo chính trị Do Thái cho thấy họ cùng có chung một nỗi sợ. Họ sợ vì họ có quá nhiều điều phải bám víu, và những bám víu ấy đối với họ chính là sự sống còn của họ. Chính những điều dính bén đó đã khiến cho lương tâm của họ bị chai lì trong tội, họ sẵn sàng sống sai sự thật, sẵn sàng thực hiện những dã tâm chỉ để mong sao mình vẫn còn một chỗ đứng, và tầm ảnh hưởng của mình không bị mất. Hiện tại họ đang vui cười vì có quyền trên kẻ khác, đang được sung sướng trước sự khó khăn của người khác, đang được no đủ trước cảnh nghèo của người khác, nhưng thật khốn cho những kẻ đang có cuộc sống như thế, vì họ sẽ là những kẻ phải khóc lóc, phải đói khát (x. Lc 6,25-26).

Chúng ta cũng thế nếu để cho lòng trí cứ mãi bám víu quá nhiều vào tiền tài, vào địa vị, vào quyền thế. Chúng ta rồi cũng có những nỗi bất an, hay nói cách khác là một nỗi sợ như hai nhà chính trị Do Thái, vì đó không phải là điểm tựa chắc chắn và tuyệt đối. Vậy đâu là điểm tựa tuyệt vời, là suối nguồn bình an dịu vời của mỗi Kitô hữu chúng ta? Hãy chạy đến với Chúa Giêsu là món quà tình yêu Thiên Chúa gởi đến cho nhân loại, hãy cậy dựa vào Người để Người đổ đầy những thiếu sót và nâng đỡ những yếu hèn của chúng ta, như lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Lạy Chúa, trong cuộc sống hằng ngày, chúng con phải đối diện với nhiều cám dỗ khiến lòng chúng con xa Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết coi của cải vật chất là điều kiện giúp chúng con sống tốt, chứ nó không phải là chủ là chúa của chúng con. Xin cho chúng con biết cậy dựa vào Chúa là sức mạnh, và là thành luỹ chở che đời chúng con. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.