[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 3,7-12″]
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐỘNG LỰC NÀO THÚC ĐẨY TÔI ĐẾN VỚI CHÚA?
“Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm.” (Mt 3,7-8).
Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu loan báo rằng: “Thời kì đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Chúa Giêsu chính là Tin Mừng Nước Thiên Chúa, nhưng Tin Mừng ấy phải được đón nhận bằng lòng sám hối và đức tin. Do đó, bên cạnh những lời rao giảng, Chúa Giêsu còn thực hiện những phép lạ nhằm mời gọi con người sám hối và tin vào Người là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ thời xưa đã loan báo.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Máccô cho ta thấy có nhiều người từ khắp nơi tuôn đến với Chúa Giêsu vì họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Người đã thực hiện. Tuy nhiên, trong nhận định của Máccô, đám đông chỉ tìm đến với Chúa Giêsu vì được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh tật, chứ không phải để hoán cải, không phải đến vì tin vào Người. Thật vậy, đám đông chỉ thấy điều trước mắt là phép lạ, mà không đọc ra được ý nghĩa của phép lạ là dấu chỉ của Nước Trời là Tin Mừng Chúa Giêsu loan báo. Nói tắt, đám đông không biết gì về Chúa Giêsu. Duy chỉ có ma quỷ mới biết Chúa Giêsu là ai, nhưng “cái biết” của ma quỷ chỉ là “cái biết” của hận thù. Ma quỷ muốn dân chúng chỉ để ý tới khía cạnh quyền phép của Chúa Giêsu và do đó sẽ không chấp một Đấng Mêsia dùng Thập giá để cứu chuộc loài người. Thế nên, Chúa Giêsu đã giữ một khoảng cách với dân chúng; đồng thời Người ngăn cấm ma quỷ không được tiết lộ Người là ai như những biện pháp để ngăn chặn một niềm tin có phần vụ lợi, và một quan niệm sai lạc về Đấng Mêsia.
Việc đám đông ngày xưa tuôn đến với Chúa Giêsu chỉ vì mục đích vụ lợi đặt ra cho chúng ta hôm nay một câu hỏi: “động lực nào thúc đẩy tôi đến với Chúa?”. Thực tế ngày nay cho ta thấy, nhiều người đã ví Thiên Chúa như một cái kho, mà khi cần thì đến khai thác và thủ lợi hơn là để tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Khi ai đó siêng năng tham dự thánh lễ, tích cực đi hành hương chỉ vì mong Chúa ban cho mình một ơn nào đó, nhưng khi không được Chúa nhậm lời, hoặc gặp đau khổ và thử thách thì đâm ra chán nản và thất vọng, thậm chí mất niềm tin vào Chúa. Quả vậy, có nhiều người Do Thái lúc trước đã tìm mọi cách để được sờ vào Chúa Giêsu chỉ vì vụ lợi, thì sau này, chính những người đó đã quay lại chống báng Người. Do đó, để trở nên một Kitô hữu chính danh, ta hãy thường xuyên tự hỏi mình “động lực nào thúc đẩy tôi đến với Chúa?”. Năng tự hỏi mình như thế sẽ giúp ta tránh được những toan tính ích kỉ và những lý do trần thế; đồng thời luôn mang trong mình một lòng tin, cậy, mến mỗi khi đến với Chúa, cho dù có gặp phải nghịch cảnh.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn đến với Chúa với một tấm lòng sám hối thực sự và một đức tin vững mạnh, ngõ hầu chúng con trở nên những môn đệ chân chính của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Để nhờ đó, ánh sáng Tin Mừng của Chúa được lan tỏa đến mọi tâm hồn. Amen.
[/loichua]