Thứ 5 Tuần 7 Mùa Phục Sinh – Ngày 17/05/2018

Lời Chúa: Ga 17, 20 - 26

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.

Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Ðấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”

 


Suy niệm

NÊN “MỘT GIA ĐÌNH” TRONG ĐỨC KITÔ

Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 20 – 21).

Từ nguồn Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, ta biết Hội Thánh mang đặc tính Duy Nhất vì nguồn cội của Hội Thánh là sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. số 813); và mối dây liên kết trong Hội Thánh là việc các tín hữu cùng tuyên xưng một đức tin, chịu chung một phép rửa, tham dự chung nền phụng tự (x. số 815). Từ những điểm này, ta biết đến Hội Thánh với tên gọi khác là “gia đình Thiên Chúa”; cộng đoàn của rất nhiều người tin, nhưng cũng chỉ gọi là “một gia đình”. Liên hệ đến cộng đoàn Chủng viện, ta vẫn phát biểu với nhau bằng tên gọi “gia đình chủng viện”; với sự khác biệt của gần 500 cá tính, muốn nên như “một gia đình”, thiết định mỗi người phải “hòa” mình trở nên “một thành viên”. Hay hiểu theo ngôn từ triết học: để làm thành “một gia đình”, mỗi người phải “để” mình trở nên “hiện diện” là một thành viên của gia đình, chứ không chỉ đơn thuần “đặt” mình hiện hữu là một chủng sinh của Chủng viện. Và cũng có thể hiểu theo một nghĩa triệt để hơn: là “một gia đình” thì niềm vui-nỗi buồn của người anh em bên cạnh, không thể là “vô can” đối với chính “tôi” được.

Hội Thánh là Duy Nhất, nhưng tự bên trong Hội Thánh vẫn có nhiều chia rẽ, làm thành vết thương cho sự “Duy Nhất tính”. Chính lẽ đó, Hội Thánh luôn khao khát tái thiết lập “gia đình Thiên Chúa” trong Đức Kitô. Vậy nên, Hội Thánh đề ra những hướng dẫn cụ thể cho con cái mình như: cầu nguyện, hoán cải nội tâm, canh tân đời sống,… (x. GLHTCG số 817 – 821). Nhìn lại đời sống chung trong hành trình tu-luyện, anh em chúng ta cũng đâu tránh khỏi những bất hòa. Sau những bất hòa ấy, chúng ta được mời gọi “xây dựng lại” đời sống chung, cụ thể là tương quan huynh đệ trong Chúa Kitô. Chớ gì, mỗi chúng ta biết áp dụng những hướng dấn cụ thể Chủng viện đã đề ra, ngõ hầu chung tay xây dựng “gia đình chủng viện” nên hiệp nhất trong Đức Kitô.

Lạy Chúa, chúng con khao khát nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong ơn gọi dâng hiến. Chúng con nài xin Chúa giúp chúng con luôn sẵn sàng mở lòng để làm hòa sau mỗi lần bất hòa, ngõ hầu chúng con cùng nhau bước đi trong sứ vụ dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân. Amen.


Comments are closed.