Thứ 4 Tuần 6 Thường Niên – Ngày 20/02/2019

Lời Chúa: Mc 8,22-26

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy. Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: “Ngươi có thấy gì không?” Anh nhìn lên và trả lời: “Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi”. Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: “Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai”.

 


Suy niệm

NHỜ HÀNH ĐỘNG, ĐỨC TIN ĐƯỢC ĐÀO LUYỆN

“Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại”. Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự” (Mc 8,24-25).

Thánh Phaolô dạy: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy để đoạt phần thưởng chóng hư, trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1Cr 9,25). Quả thế, người Kitô hữu phải nỗ lực sống làm sao cho đạt được ơn cứu độ, một ơn huệ được trao ban cho những ai trung thành đào luyện đức tin trong đời sống hằng ngày.

Dựa trên việc Chúa mở mắt cho anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy rõ ràng mục đích của phép lạ không để thỏa mãn tính tò mò của dân chúng nhưng để khơi gợi đức tin vào Thiên Chúa. Trình thuật Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành anh mù ở Betxaiđa. Người ta vẫn thường nói: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Điều này cho ta thấy anh mù trong Tin Mừng chắc hẳn đã mất mát rất nhiều khi đôi mắt anh đóng lại. Anh không thể nhìn thấy những cảnh vật xảy ra xung quanh và nhất là anh không thể nhìn thấy những người thân yêu của mình. Với những mất mát đó và còn nhiều nữa, anh khao khát được chữa lành đôi mắt biết bao. Sự khao khát của anh cuối cùng cũng được thực hiện nhờ Thầy Giêsu. Người không những chữa lành đôi mắt thể lý cho anh nhưng còn chữa lành đôi mắt tâm hồn, để mở đức tin cho anh. Dưới ngòi bút của mình, thánh Maccô ghi lại tiến trình của phép lạ một cách chi tiết và sinh động. Cách thức ngài miêu tả phép lạ này hoàn toàn khác với những phép lạ khác mà Chúa Giêsu đã làm. Nếu như ở những phép lạ khác, Chúa Giêsu đòi hỏi con người tuyên xưng niềm tin vào Chúa, thì nơi phép lạ chữa người mù này, Chúa Giêsu dùng những hành động liên tiếp nhau như muốn đào luyện đức tin cho anh mù. Người chữa anh khỏi dần dần như thế để chuẩn bị lòng tin cho anh. Quả thế, việc chữa lành ấy như một hành trình, từ việc thấy mờ mờ đến việc thấy tỏ tường, từ việc biểu lộ đức tin cộng đồng đến việc biểu lộ đức tin cá nhân.

Sống trong một xã hội tôn thờ khoa học và đề cao chủ nghĩa hưởng thụ, mỗi người Kitô hữu gặp rất nhiều thử thách trong việc sống và đào luyện đức tin. Những thử thách đó phải chăng là cơ hội cho mỗi người phát triển đức tin hay lại là cám dỗ làm phai mờ đời sống đức tin? Đức tin là hồng ân cách nhưng không của Thiên Chúa. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đón nhận đức tin từ Thiên Chúa. Thế nhưng, đối với mỗi người Kitô hữu, đức tin không chỉ dừng lại ở một khái niệm lý thuyết nhưng còn phải được thể hiện qua hành động. Thánh Giacôbê đã từng khẳng định: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2,18). Hành động của đức tin là sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và phó thác đời mình trong bàn tay quan phòng của Người. Hành động của đức tin là biết đồng cảm và yêu thương những người đang gặp đau khổ trong cuộc sống hằng ngày. Như thế, tin là phải hành động và nhờ hành động đức tin được đào luyện.

Thánh Giacôbê đã từng nói: “Đức tin không hành động là đức tin chết”. Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết thể hiện đức tin bằng hành động qua những giây phút kết hợp mật thiết với Chúa và qua việc thực thi đức ái trong cuộc sống hằng ngày. Amen.


Comments are closed.