[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 14,25-33 “]
Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ :
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không ? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo : ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
GIÁ TRỊ CỦA ĐAU KHỔ
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26).
Có lẽ ai trong chúng ta cũng sợ đau khổ. Hôm nay Đức Giêsu mời gọi chúng ta đón nhận đau khổ khi Người mời gọi chúng ta vác thập giá để theo Người.
Thật vậy, Đức Giêsu mời gọi “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Kiểu mời gọi của Chúa khá lạ đời và có lẽ không giống bất cứ vị rabbi Do Thái nào. Có thể lời mời gọi của các rabbi là: “Hãy học với tôi, tôi sẽ làm cho anh thông thạo toàn bộ Kinh Thánh” hoặc “Hãy làm môn đệ tôi, tôi sẽ làm cho anh trở thành bậc thầy trong Israel”. Ấy thế mà Đức Giêsu lại mời gọi chúng ta từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, mạng sống và vác thập giá để làm môn đệ Người.
Dưới ánh sáng Lời Chúa và với ơn của Chúa Thánh Thần, chúng ta nhận thấy lời mời gọi của Đức Giêsu mang chiều kích cứu độ. Đức Giêsu không hứa ban danh vọng, lợi lộc nhưng hứa ban thập giá, là thứ mà người Do Thái coi là ô nhục và người Hylạp coi là điên rồ (x.1Cr 1,23). Tuy nhiên, thập giá ấy lại trở nên “thánh giá” nhờ chính Người đã nằm trên ấy và thánh hóa nó. Như thế, chúng ta hiểu vì sao Đức Giêsu mời gọi ta đón nhận đau khổ, vì có Người đang ở đó để cùng chịu đau khổ với ta. Khi đón nhận đau khổ, chúng ta bước vào cuộc chiến đấu cùng với Đức Kitô. Người bảo đảm cho ta dành chiến thắng bởi tình yêu Người dành cho ta. Như thế, đau khổ không còn là cái giá phải trả nữa nhưng đã trở nên ân phúc và mang giá trị cứu độ.
Trong cuộc sống hằng ngày, ta phải đối diện với nhiều đau khổ : bệnh tật là đau khổ; nhọc nhằn của cuộc sống là đau khổ; tuổi già là đau khổ; đôi khi, lời nói và thái độ của tha nhân cũng là đau khổ. Đau khổ luôn ở bên mà ta không tránh được. Ta hãy đón nhận đau khổ như đón nhận thập giá để được thông phần với đau khổ của Đức Kitô. Khi ta chấp nhận đau khổ như thế cho người thân yêu, đón nhận thập giá cho bạn hữu thì đau khổ không còn sức làm cho ta đau và khổ nữa, nhưng lại biến thành những nỗi ân phúc, ngọt ngào của tình yêu.
Lạy Chúa, xin cho chúng con khi theo chân Đức Kitô thì cũng biết can đảm chấp nhận đau khổ trên con đường vác thập giá lên đồi Calvê với Người. Nhờ đó, thập giá của chúng con không còn là cái giá của chết chóc nữa nhưng được nở hoa ân phúc và có sức mang lại ơn cứu độ cho chúng con và cho những người thân cận của chúng con. Amen.
[/loichua]